(Một kỷ niêm với nhà văn Nguyễn Mộng Giác)

Kính thưa qúi vị,
Cách đây khoảng 5 năm, khi Nhà văn Nguyễn Mộng Giác còn khỏe mạnh, một bữa, trong khi chờ đợi Đại Hội Tây Sơn thường niên khai mạc tại nhà hàng Regent West, Santa Ana, tôi đã hàn huyên với GS Nguyễn Mộng Giác về một vấn đề khá mới lạ nhưng cũng rất tế nhị gai góc, vì nó vừa liên quan tới văn học nghệ thuật, vừa liên quan tới Phật Giáo.
Đó là:

Tại sao sau khi đi Chùa Hương về là “ Em”gần như biến mất, cả trong Văn, trong Thơ và trong Nhạc”.

Nhưng cùng trong thời gian đó, và cho đến hôm nay, “các Em” thuộc các tôn giáo khác, nhất là Công Giáo, thì lại rầm rộ xuất hiện khắp nơi, nhất là trong thơ và trong nhạc.

Vì đã quen biết từ lâu, đã dậy cùng trường cùng lớp, đã gặp mặt và hàn huyên tâm sự về đủ thứ chuyện trên đời…nên tuy đây là một đề tài rất tế nhị, nhưng câu chuyện giữa chúng tôi đã diễn ra một cách thỏai mái dễ dàng.
Chúng tôi đã đồng ý rằng, hoàn toàn không phải vì lý do chính trị, không phải vì bị cấm đoán, không phải vì sự thăng trầm của tôn giáo trên chính trường… (Bằng chứng là chính bài thơ Đi Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp này, trong thời gian Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hoà đã được nhiều người phổ nhạc và đã được trình diễn liên tục, khắp nơi khắp chốn, kể cả trên các phương tiện truyền thông  của chính quyền).
Tôi đã suy diễn ra rằng “Em” đã vắng bóng trong Văn, trong Thơ, trong Nhạc là vì các lý do sau đây:

1-
Hôm nay đi Chùa Hương,
Hoa cỏ mờ hơi sương,
Cùng Thầy me em dậy


Nhưng từ sau đó, hầu hết các Em không còn được đi với cha với mẹ nữa, không còn được thong dong tản bộ đến chùa một mình nữa, mà Em đã gia nhập đoàn Thanh Niên Phật Tử: Em đã được đoàn ngũ hóa.

2-
Em vấn đầu soi gương,
Khăn nhỏ đuôi gà cao,
Em đeo giải yếm đào,
Quần lĩnh áo the mới,
Tay cầm nón quai thao,
Chân đi đôi guốc cong…


Nhưng từ sau đó, hầu hết các Em không còn được tự do ăn diện theo thời trang như vậy nữa. Trái lại, Em đã được khoác lên người một bộ đồng phục mầu xanh lam với nón rộng vành, với áo chemise, với váy ngắn và với giầy Bata: Em đã được đồng phục giống như là một nữ quân nhân

3-
Em không dám đi mau,
Sợ chàng chê hấp tấp,
Số gian nan không giầu…

Nhưng từ sau đó, hầu hết các Em đã không còn được đi đứng thong dong yểu điệu như vậy nữa, nhưng đã phải đồng bước theo nhịp quân hành.


Phải chăng vì Phật giáo là tự do, là phóng khoáng, là cá nhân, là bản thể, là ngân nga, là khoan thai chầm chậm, … làm ngược lại, là đã đánh mất đi bản chất Phật Giáo của mình, mất đi vẻ đẹp tiềm tàng lõi cốt đầy thơ đầy nhạc tiềm ẩn bên trong…
Nghĩa là đã tự làm cho mình biến mất khỏi Văn, khỏi Thơ, khỏi Nhạc?

Câu chuyên còn đang hào hứng, hầu hết là ý của tôi, thì anh Giác nói:
-         Thôi mình vào, sắp đến giờ khai mạc rồi.


Sau đó nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã bị bạo bệnh, nên cái câu chuyện gai góc và hào hứng này đã không còn bao giờ được đề cập tới nữa.

Trong buổi lễ tưởng niệm nhà văn Nguyễn Mộng Giác tại nhà quàn Peak Family, khi nhìn mặt anh lần cuối, tôi đã chợt nghĩ tới buổi thảo luận còn đang dang dở nói trên.

Rất mong sẽ được qúi vị góp ý cho vui.  

 Vũ Linh Châu.
                     
    
(Phát biểu và chịu trách nhiệm hoàn toàn với tư cách cá nhân, không liên hệ tới bất cứ một tôn giáo, một nhóm hay một người nào khác.)

Thêm bình luận

Bài vở và hình ảnh xin gởi về This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.