- Đăng ngày 15 Tháng 2 2021
- Lượt xem: 499
Sáng nay, tiếng chuông điện thoại của ông gọi bà thức dậy hàng ngày từ tận tiểu bang xa cách bà đến ba tiếng thời gian, đã reo đến năm hồi chuông mà bà Năm dường như cũng chưa muốn mở mắt thì phải. Lý do là hôm qua không hiểu sao bà cứ thao thức hoài mãi đến gần 4:40am mới hơi chợp mắt với những giấc mơ mà bà cho là “Rất ư vớ vẩn” đan xen vào giấc ngủ chập chờn đó của bà, hai con mắt bà Năm cứ muốn díp lại với nhau, đầu bà cũng chưa đủ tỉnh táo để thoát ra khỏi giấc mơ, vừa chợt đến trong giấc ngủ muộn màng đó. Nhiệt độ bên ngoài trời hôm nay dự báo sẽ lạnh khoảng 40F nên bà cũng thấy lười, cho dù thói quen là sáng Chúa Nhật nào cũng phải đến nhà thờ, ngoài việc tuân giữ theo luật định, bà còn muốn tìm ở đó những giây phút thanh thản cho tâm hồn, nhất là những khi có điều gì đó khiến bà hơi chạnh lòng đôi chút. Thật ra, ở cái tuổi này rồi thì cũng nên sống cởi mở và buông bỏ tất cả cho lòng nhẹ nhàng, thế nhưng ai bảo bà là con người chứ, mà lại là con người đa đoan nữa, thế nên rất nhiều lúc bà chạnh lòng rơi lệ chẳng vì đâu.
Thật ra thì cũng không hoàn toàn chẳng vì đâu, mà rất nhiều lúc nó “Rất vì Đâu” vô cùng ấy chứ, chỉ có điều bà tự an ủi và cho nó vào hàng thứ yếu, và thay vào đó Bà tập nhìn ra chung quanh, nhìn những mảnh đời bất hạnh vất vưởng quanh mình để có thể cảm tạ cuộc đời, cảm tạ từng ngày còn được hít thở bầu không khí nơi xứ sở được mệnh danh là giấc mơ của rất nhiều người . . . và rồi bà cũng tự thắng được bản thân bằng cách ngồi dậy, uống một ly trà nóng, vội vàng sửa soạn chạy ra xe dù trời có lạnh, và cả mù sương để đi Lễ, hôm nay là ngày Mùng Ba Tết, ngày Thánh Hóa công việc, mặc dù bây giờ bà không còn phải lo toan gì trong việc kiếm sống, nhưng cũng cầu nguyện cho Bình An của mọi người trong gia đình, bạn bè thân quen, và bắt chước đứa cháu ngoại mỗi khi đọc kinh tối, cầu nguyện cho tất cả mọi người . . . Hôm nào cô nhóc lười biếng thì thay vì cầu nguyện cho từng người, với một danh sách tên dài thậm thượt, cô bé cầu vỏn vẹn mọt câu : “Con cầu xin Chúa cho tất cả người con quen và con không quen”. Sáng nay bà Năm cũng bắt chước đứa cháu để cầu nguyện cho tất cả những người đang ở trong tuổi còn phải lao động, và hơn bảy chục ngàn người công nhân vừa bị mất việc làm do cái ông đứng đầu đất nước này ký sắc lệnh bãi bỏ việc xây dựng hàng rào bảo vệ an ninh cho đất nước, cũng như hủy bỏ đường ống dẫn dầu khiến nên đủ thứ xáo trộn trong cuộc sống sẽ xảy ra trong năm mới đang đến
Suýt chút nữa thì bà Năm quên hôm nay cũng là ngày Valentine, khi vị linh mục vừa đọc xong bài Phúc Âm và bắt đầu giảng thì ngài cũng gửi lời chúc mừng ngày Valentine đến tất cả mọi gia đình, và ông cũng nhân dịp lễ Valentine giảng bài về Gia Đình, về Tình Yêu và Hôn Nhân của giới trẻ Công Giáo hôm nay, so sánh với những thế hệ đi trước, ông cũng đưa ra những ví dụ thực tế trong cuộc sống gia đình của những người thân quen, và ngay của ông bà cố ( cách gọi cha mẹ của những người có con đi tu làm Linh Mục), tình yêu của những người ở vào tuổi ba mẹ bà, và vào lứa tuổi của bà, khiến bà bỗng dưng chạnh lòng nhớ đến tình yêu của mình với ông . . . Thật lòng nói rằng bà đã “Thủy Chung Như Nhất” đối với ông thì rất nhiều người nhìn vào sẽ cho là bà nói sai sự thật, và chính bà cũng thấy dường như có cái gì đó hơi khập khiễng, bởi vì bà đâu có ngồi ôm mối tình của hai người cho đến tận giờ này, bà cũng đã lập gia đình, đã có con với người khác, cho dù việc lấy một ai đó trong thời buổi nhiễu nhương của đất nước bà là chuyện vạn bất đắc dĩ, không chỉ của riêng bà Năm, mà dường như đã có rất nhiều người con gái cùng tuổi hay lớn hoặc nhỏ hơn bà vài tuổi, và thậm chí cả những người thanh niên, vào thời điểm đó, nhưng chưa phải đi Tù vì làm việc cho chế độ cũ cũng đã có những quyết định sai lầm vội vã đó. . .
Thế nên, rất nhiều người bạn cùng trang lứa với bà đã phải bước đi ít nhất là hai lần đò, còn những người giống như bà, những người đã tự nhận mình thất bại, cũng như tự sáng mắt ra sau lần lỡ bước sang ngang đó thì đành phải chịu cảnh vừa làm cha, vừa làm mẹ chứ biết sao hơn . . . Có lẽ những người này cũng đã nghĩ giống như bà, tất cả mọi sự đều đã chấm dứt, đều đã đổ ập dưới chân mình, Trời đã xập rồi thì thân mình có còn đáng giá chi, nhất là đối với riêng bà. Khi mà người đàn ông mà bà yêu thương nhất (Tuy bà chưa dám nói cho ông hay) người mà bà đã không chỉ coi như cây bách, cây Tùng mà còn là la bàn định hướng của cuộc đời bà bỗng dưng biến mất tăm thì quả là bà đã lạc lối trong cuộc đời này. Cuộc đời mà bà chưa từng thật sự bước chân vào, cuộc đời mà bà chỉ được nhìn qua lăng kính của học đường, và bà đã nghĩ ngợi một cách rất ư là dại dột, một cách suy nghĩ mà như không hề suy nghĩ như trong một câu hát của Phạm Duy: “ Nghìn trùng xa cách Người đã đi rồi, còn gì đâu nữa mà giữ cho người . . .” Và thế là bà đã làm hỏng đời mình như thế đó . . . Và thế là rất nhiều người ngoài cuộc, vô công rỗi nghề, chuyên lấy chuyện không may của người khác làm đề tài cho những lúc “ Buôn Dưa Lê” của họ đã trách rằng bà không chung thủy, còn không trách như thế thì cũng cho rằng bà đã có một quyết định dại dột và nông nổi, bà cũng đành chịu chứ không biết giải thích ra sao. Thật ra, bà có hối hận rất nhiều sau ngày trở thành Đàn Bà, trở thành người Mẹ, nhưng rồi bà phải âm thầm và cắn răng chịu đựng bởi mỗi thời điểm, mỗi hoàn cảnh, mỗi phận đời đều không giống nhau, và bà luôn nghĩ rằng, cho dù dại dột hay nông nổi thì đó cũng là cuộc đời của riêng bà, và bà phải tự chịu trách nhiệm, nên không ai có quyền phê phán, cho dù cũng có nhiều yếu tố khách quan góp phần tạo nên hoàn cảnh dang dở, thậm chí tan nát của cuộc đời bà.
Từ một tiểu thư khuê các, tay yếu chân mềm, không biết một chút gì về những giả trá của cuộc sống, bà đã phải bước xuống cuộc đời với một tâm hồn mỏng manh, thật thà và trong sáng đến độ khi chỉ còn vài bộ quần áo, cũng bị thiên hạ lừa gạt để lấy đi mất, bà đã phải ngồi lê lết lề đường, xó chợ buôn thúng, bán bưng nuôi con, thế nhưng ngay trong những khốn khó của cuộc đời đó, bà chưa bao giờ nhỏ một giọt nước mắt trách móc thân phận hay cuộc đời, mẹ cha hay Thương Đế, và nhất là cái người mà những đứa bạn thân của bà cho rằng cũng góp phần làm nên sự đau khổ và dở dang của cuộc đời bà. Nhưng với riêng bà, không hiểu sao không bao giờ bà có chút oán hờn nào với con người ấy, nhiều khi nghĩ đến, hay thắc mắc không hiểu giờ này người đàn ông ấy ở đâu, còn trên đời này, đang đau khổ hay hạnh phúc, và tại sao lại âm thầm chối bỏ bà ra khỏi cuộc đời ông ấy, thế nhưng cho dù suy nghĩ cách nào đi nữa, bà cũng chỉ thấy nhớ thương da diết cái con người mà bà chẳng hiểu rõ gì lắm về ông, ngoài một chút xíu “lý lịch cá nhân” mà ông đã cho bà biết, và chính tình yêu kỳ lạ và đặc biệt bà dành cho người đàn ông ấy đã đỡ nâng bà rất nhiều trong những lúc gặp khó khăn trong cuộc đời. Có những lúc bà nghĩ rằng mình đã ngã quỵ vì những khắc nghiệt và sự đơn độc trong cuộc đời, thế nhưng tình yêu dành cho ông, và cả quyết tâm một ngày nào đó trong đời mình sẽ phải tìm cho được ông để hỏi tại sao ngày ấy ông đã lặng lẽ bỏ bà ra đi. Và cho dù sau này đã có lần tình cờ bà biết được chút tin tức của ông, và cả sự thật về con người ông ( bà nghĩ lúc bấy giờ ông đã giấu diếm hay chưa dám nói ra với bà) qua một người lính cùng binh chủng và cùng đi tù với ông mà bà tình cờ gặp trên đường, khi ông này đi vào khu CXKT của bà để hỏi thăm người quen cũ, ngày ấy khi biết được tin của ông, lòng bà đau quặn thắt và đó là lần thứ hai trong đời, sau 30/4/1975 bà đã cay đắng, lặng lẽ khóc thương cho thân phận mình. Và cũng duy nhất một lần khóc đó thôi, bà dự định sẽ không bao giờ buồn đau thắc mắc nữa, và dù chẳng cần phải như một câu thơ nào đó mà bà đã quên tên tác giả:
Em về điểm phấn tô son lại
Ngạo với nhân gian một nụ cười
Bà đâu cần tô son điểm phấn làm chi, và cũng chẳng cần ngạo với nhân gian làm gì, bà chỉ cần biết tin về ông như vậy là an lòng… Tuy nhiên nghĩ là một chuyện, còn làm được hay không lại là một chuyện khác, bởi vì bà luôn nhớ đến lời mình tự hứa với chính mình là cho dù cuộc đời sau này có ra sao, bà có lấy ai chăng nữa, thì trong tim, trong óc bà vẫn chỉ có một mình ông, bà vẫn chỉ yêu duy nhất mối tình này mà thôi . . . và thời gian cứ thế trôi đi, nỗi nhớ về ông, về mối tình một thời thiếu nữ của bà vẫn cứ mang mang trong lòng, và mỗi khi có cơ hội là bà lại tìm kiếm ông, cho dù đôi khi biết là vô vọng, là làm chuyện mò kim đáy biển, và có thể lại gặp bẽ bàng, khi ông đã an lòng với cuộc đời riêng . .. Nhưng tại sao lại phải dừng việc tìm kiếm cây kim đáy biển này chứ, và cứ thế, bà lặng lẽ và kiên nhẫn tìm ông . . . Và Trời đã không phụ lòng, bà đã tìm lại được ông sau những tháng ngày tưởng chừng như vô vọng. .. Và hôm nay, ngày Valentine đầu tiên trong đời của hai người, cho dù vì cái con cúm tầu phù mà hai người vẫn chưa thể gặp nhau trực tiếp, chưa thể Tay trong Tay như những ngày xưa. Và cho dù giờ đây tai ông đã không còn nghe rõ như xưa, cũng như nhưng cơn đau thốn ở ngực, hay ở đâu đó trong thân thể vẫn đang còn hành hạ ông, và bà cũng nhức mỏi lung tung vì không còn ở tuổi “Mười bảy bẻ gẫy sừng trâu” ngày xưa nữa, nhưng tình yêu dường như không có tuổi, và tình yêu dường như không bao giờ biết mệt mỏi nên giọng nói tiếng cười của hai người vẫn như ngày nào, và ông đã nói với bà một câu khi bà nói em giờ đã là trăng úa, trăng tàn :
“Trăng Tàn Mà Đẹp Hơn Mười Rằm Xưa”
Và quả thật chỉ nghe câu này thôi là bà thấy đó là món quà quá đủ cho Valentine đầu tiên của hai người, sau hơn bốn mươi lăm năm xa cách, và còn hơn triệu đóa hồng của anh chàng họa sĩ nào đó đã tặng cho cô gái anh yêu.
Phạm Thiên Thu