Quả thật nhiều khi Thuyên bỗng chợt nhận ra rằng sống đến từng tuổi này cũng khó mà bày tỏ, hay nói với ai, hoặc với cả chính mình rằng : “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”. Nghe nó thật buồn cười và ngớ ngẩn giống như mình còn đang ở tuổi mới lớn hay tuổi chớm biết buồn, bởi thật ra trong sâu thẳm của từng nỗi buồn đau xót sa đều có nguyên nhân, nguyên cớ cả, có chăng là vì mình không muốn nói ra, hay không muốn biết mà thôi . . . Và cũng nhiều lúc không tự giải thích nổi tại sao cuộc đời mình lại xảy ra lắm chuyện không may đến như thế, thì lại đổ thừa cho số phận hay định mệnh hay dựa vào câu nói trong Kinh Thánh : “ Một sợi tóc trên đầu con rơi xuống cũng không ngoài Ý Chúa”. Nhưng thật lòng mà nói từ hôm qua tới giờ Thuyên thấy lòng mình sao mà buồn quá đỗi, và tự dưng không hiểu sao nước mắt cứ tuôn ra, điều mà Thuyên hoàn toàn không muốn và không sao giải thích được, và suốt đêm qua Thuyên cũng trằn trọc không sao yên giấc . . .

Tiếng mưa đến bất chợt không báo trước gõ nhẹ và đều trên mái nhà khiến Thuyên càng thấy như nỗi buồn của mình thấm đẫm hơn trong lòng. Mới chỉ độ mười ngày thôi mà Thuyên đã nghe tin đến hai cái chết của hai người phụ nữ không quen nhưng không phải là không biết, hai cái chết dường như rất giống nhau, sự qua đời của nhà văn Bùi Bích Hà và của Chị (dĩ nhiên đó là vợ Anh ). Trước đó hơn một tuần, trên đường đến nhà thờ Thuyên được anh báo tin về sự qua đời của nhà văn Bùi Bích Hà, một nhà văn gốc Bắc, nhưng được ra đời và trưởng thành ở Huế. Chính vì lẽ đó, giọng văn của chị cũng rất âm hưởng chất Huế, nhưng là một chất Huế nhẹ nhàng và thấm đẫm mùi hương lãng mạn dịu dàng . . . Chị qua đời vì ở một mình, nên khi ngã không ai biết, và khi có người biết đưa chị đi cấp cứu thì đã không còn kịp vì não đã Chết, nếu có cứu thì cũng đành phải sống “ đời sống thực vật ”. Chị ra đi đã để lại trong lòng những người thương yêu chị, và cả độc giả, những người đã từng biết chị qua văn chương, hay đã từng nghe và chia sẻ với chị qua chương trình phát thanh “ Tâm sự với Thái Hà” một nỗi buồn, và sự trống vắng khó tả, riêng Thuyên lại chợt buồn vì lẽ vô thường của đời sống con người, cho dù đó là điều ai cũng biết và buộc phải chấp nhận . . . Chiều hôm qua thuyên lại nhận được tin báo của Anh về cái chết của chị, chị ngã nằm chết ngay trong nhà mình mà không ai biết, đến khi con cháu đi chơi về trông thấy và đưa đi cấp cứu thì đã không thể làm được gì hơn cho chị, dẫu rằng con gái chị có là bác sĩ chăng nữa . . . Thuyên bỗng thấy buồn và tội nghiệp cho chị dù Thuyên chưa hề gặp mặt hay biết chị trước đây; thật ra dạo gần đây cũng có biết đôi chút qua những tác phẩm và lời kể của anh, vì mỗi khi sự tò mò của bản tính phụ nữ thôi thúc trong lòng mình đã bắt Thuyên thắc mắc hỏi han về chị, và đã có những lúc nỗi hờn ghen và tủi thân làm Thuyên âm thầm nhỏ lệ, tự than trách cho phận phận bọt bèo của mình. Thậm chí nhiều lúc Thuyên đã làm anh nổi giận, và cả hiểu không đúng về Thuyên, cho là Thuyên có cái ác độc của phụ nữ nên đay nghiến anh; thật là oan uổng vô cùng cho Thuyên, bởi những lời lập đi lập lại chỉ là lời của một bài hát, và vô tình cũng trùng lắp với tâm trạng của Thuyên, và Thuyên cũng chỉ muốn dùng nó để nói lên tâm trạng bơ vơ, lạc lõng và cô đơn của mình trong cuộc đời khi bất ngờ bị để lại không một lời giải thích, khiến Thuyên hụt hẫng và tuyệt vọng vì đó là những tháng ngày đổi thay đột ngột và hoảng loạn của cả một Đất Nước, một Thể Chế. . . Tuy nhiên dù sao chăng nữa Thuyên cũng vẫn mãi nhớ thương anh cơ mà!

Thật ra Thuyên không biết sự cay độc của chị đối với anh thế nào khiến anh đã quẫn trí đến mức không muốn nhìn mặt chị và phải dăn dò con cái rằng khi anh chết chị cũng đừng đến đám tang làm gì, sự tức bực của anh đã chín đến độ tất cả như chợt muốn rụng rơi xuống, dù cho chỉ một cơn gió nhẹ thoảng qua. Thế nhưng Thuyên biết dù thế nào chăng nữa chắc là anh cũng không thể hình dung được là chị sẽ rời bỏ cõi tạm này trước anh . . .Thuyên nghĩ có thể sự ra đi này của chị là một sự trừng phạt cho cả hai người. Bởi anh thì đã chuẩn bị một chuyến đi chơi xa cho khuây khỏa nỗi buồn, và cả tránh không phải hít thở chung bầu không khí với chị ( Vì tuy ở cùng khuôn viên nhà, nhưng anh từ lâu vẫn cách biệt một góc trời riêng, tất cả mọi sự đều lo toan một mình), và trong chuyến viễn du lần này ngoài việc thăm viếng, gặp lại những người bạn thời trai trẻ, những người một thời cùng sát cánh bên nhau trong những tháng ngày gian khổ trong chiến tranh và tù đày, còn là cuộc hội ngộ giữa anh và Thuyên sau hơn bốn mươi lăm năm cách biệt vì sự thay đổi của vận nước điêu linh. Mặc dù Thuyên cũng vẫn lo không hiểu tình trạng sức khỏe của anh như thế nào, liệu là hai người có thể gặp được nhau không, thế nhưng không ai cấm chúng ta nuôi nấng hy vọng của mình phải không nào?! Thế mà mọi việc dường như đã đảo lộn tất cả vì sự ra đi bất ngờ của chị. Bất chợt Thuyên đã nghĩ chẳng lẽ chị tuy cay nghiệt với anh, nhưng vẫn ghen tương, và tuy không biết, không muốn nói ra, nhưng có lẽ giác quan thứ sáu của phụ nữ đã ngăn cản anh gặp Thuyên bằng sự ra đi của chị chăng . .. Và sự trừng phạt của Thượng Đế dành cho chị vì đã đối xử cách nghiệt ngã với người đã từng ôm ấp mình trong vòng tay, và đã từng có chung những vui buồn khi nhìn thấy sự thành đạt của những đứa con là phải lìa cõi đời này trong âm thầm và cô độc, ngay khi người từng được gọi là chồng đang cùng hít thở chung bầu không khí với mình . . . Chị chết không ai biết, và cho dù anh ở dưới nhà, chị ở trên nhà chăng nữa; và sự hiện hữu hay không của chị từ lâu đã là con số không to tướng trong lòng anh, như anh đã nói và từng nghĩ đi nữa. Tuy nhiên, sự ra đi của chị có phải là sự giải thoát cho anh những bức bối trong lòng hay không thì Thuyên chưa rõ, nhưng Thuyên có thể chắc chắn một điều là nó cũng đã để lại trong lòng Anh một nỗi buồn và trống vắng, nỗi buồn chắc cũng không hề nhỏ trong lòng anh bởi Thuyên nhớ có lần đã đọc đâu đó một câu nói của một nhà văn người Pháp Thuyên đã quên tên, đại khái là : “ Tất cả những sự thay đổi trong cuộc đời này, cho dù là sự thay đổi mà chúng ta mong chờ nhất cũng sẽ để lại trong lòng ta một nỗi buồn và trống vắng” . .. Huống chi Thuyên biết chắc chắn rằng sự thay đổi mà anh mong chờ đó không bao giờ là cái chết bất ngờ này của chị, vì dẫu sao anh cũng là một nhà văn, một con người biết yêu thương và cảm thông, một con người đầy lòng nhân ái như anh lại càng không có, vả lại anh luôn thường nói anh vẫn mang ơn vì chị đã sinh cho anh hai đứa con và đã nuôi dưỡng chúng khi anh tù đày khốn khổ . . . Riêng Thuyên lại không hiểu tại sao sự ra đi của chị cũng lại làm Thuyên buồn đến thế, theo lẽ thường tình thì Thuyên phải thấy vui và nhẹ lòng khi chị không còn trên cõi đời này nữa mới đúng theo cách suy nghĩ nhỏ nhen, ích kỷ và thường tình của người đời chứ nhỉ ?!

Riêng anh, Thuyên biết là anh rất buồn; thậm chí là hơi shock là đàng khác. Theo ý nghĩ riêng của Thuyên thì đối với anh chị như chiếc răng sâu, luôn gây nhức nhối và khó chịu, rất muốn nhổ bỏ đi, nhưng đó lại là chiếc răng cửa, nên tuy có đau nhức, nó vẫn là thứ trang trí trên khuôn mặt, nụ cười nên dù đau nhức nhưng vẫn cắn răng chịu chứ không thể nhổ bỏ, và vì chân răng cũng đã mục ruỗng, không thể trám và lấy tủy cho khỏi nhức, nên cứ thế mà chịu đựng lẫn nhau, cho đến một lúc không chịu nổi nữa thì phải nhổ bỏ; và khi cái răng mới nhổ thì vết đau cũng chưa thể lành lặn ngay ( mà thực ra nó còn đau hơn là khi chưa nhổ, vì phải rứt nó ra khỏi chân răng thì dĩ nhiên chỗ trống đó vẫn còn chảy máu và cần thời gian cho vết thương lành lặn lại, và khi hết đau thì chỗ răng nhổ vẫn khuyết mỗi khi cười). Và nếu mình quyết định nhổ thì lại đi một lẽ khác, đàng này tự dưng nó gãy, giống như có lần Thuyên thức giấc thấy cái răng nơi khóe miệng thường gây nhức nhối cho mình, nhưng Thuyên chưa thể làm gì với nó vì quá bận rộn, và cũng vì sợ tiếng khoan khi nha sĩ cà vào răng, và cũng sợ sự nhức buốt khi chiếc kim khoan đúng vào chỗ sâu nên cứ chần chừ không đi nha sĩ mà cứ ráng chịu đau… Bỗng nhiên một hôm khi thức dậy, tự nhiên thấy hình như nơi chỗ răng đau như thiêu thiếu cái gì, và dường như cảm giác nhức buốt có hơi bớt, nhưng khi soi gương lại hốt hoảng vì cái răng đã gãy mất tự lúc nào. Nhưng dẫu sao đó cũng chỉ là Cái Răng, còn đây lại là một Con Người, cho dù có làm mình khó chịu, nhưng tự dưng lại biến mất thì sự trống vắng chắc chắn không thể nào tránh khỏi.

Thật ra với chị Thuyên không có lý do gì để ghét bỏ, vì khi Thuyên quen và yêu anh thì chị đã là một phần của đời anh ( Dù lúc đó Thuyên không hề biết, và mãi cho đến nhiều năm sau này khi hai người đã mất nhau hơn nửa cuộc đời Thuyên mới tình cờ biết anh đã có chị trước khi yêu Thuyên). Cũng chẳng trách móc gì ai, chỉ cảm thấy buồn chứ chả làm gì được cho mình nếu không tự quên đi, tự an ủi và tự thương lấy chính mình và tự bước đi trên đôi chân của chính mình. Mãi sau này, khi biết được tin của nhau sau hơn bốn mươi lăm năm cách biệt, Thuyên vẫn tự trang bị cho mình một sự chấp nhận, dù không muốn nói ra rằng mình vẫn mãi là kẻ đi bên cạnh cuộc đời anh, vui buồn theo tình yêu dành cho anh, một tình yêu mà nhiều đứa bạn thân vẫn cho rằng Thuyên luôn là kẻ chung thủy nhưng lại mù quáng, ngu muội, và cả khờ dại trong chuyện tình yêu này nữa . . .Thật ra thì Thuyên cũng cảm thấy buồn lắm chứ nhưng biết sao bây giờ khi con tim và lý trí không cùng đi chung đường, nên cho dù vẫn biết con đường phía trước sẽ chẳng có lối ra chăng nữa, Thuyên vẫn muốn “ Còn chút tình đốt hết một lần ” với anh. Vả lại nhiều lúc nhìn lại đời mình Thuyên thấy sao mình qua bất hạnh và thiệt thòi trong tình yêu. Chả lẽ chỉ vì mình quá ngây thơ và thật thà nên đành thua thiệt hay sao . . .

Thật ra khi anh tâm sự về sự xa cách của anh và chị sau này, và nhất là sự bực bội trong lòng anh ngày càng tăng dần đối với chị, anh không muốn nói chuyện, hay hỏi han, thậm chí cả nhìn mặt chị; Thuyên không cảm thấy vui chút nào, ngược lại Thuyên còn thấy buồn hơn, vì Thuyên nghĩ khi người ta còn nói với nhau dù là chửi nhau chăng nữa thì vẫn còn hơn; đây thì anh không chửi rủa, không cả nói năng nặng lời nhưng vẫn thấy bực bội trong lòng là vì thật ra trong vô thức, chị vẫn còn hiện diện trong anh, và anh vẫn còn quan tâm đến chị, chỉ là vì tự ái mà anh không chịu nhận điều này thôi ( tuy nhiên Thuyên không dám nói, sợ anh lại nghĩ Thuyên ghen tuông vớ vẩn ) Bởi nếu không còn quan tâm, giống như Thuyên với bố của mấy đứa con Thuyên, từ ngày ông ta rứt áo ra đi và có con với người đàn bà khác, chẳng bao giờ Thuyên nhắc đến tên, cũng chẳng thấy giận hờn bực bội gì, dường như với Thuyên ông ta không tồn tại trong cuộc đời này, và nếu tình cờ ai có tò mò hỏi đến Thuyên cũng trả lời cách tự nhiên và bình thản như là chuyện của ai đó chứ không phải của mình. Thậm chí có nhiều khi Thuyên cũng vô tình kể cho anh nghe những chuyện đã xảy ra giữa ông ta và Thuyên như chuyện của người khác Thuyên biết và giống như người nhiều chuyện kể lại cho anh nghe thôi . . . Nhưng dẫu sao thì chị cũng đã đi rồi. Nhưng không hiểu sao Thuyên bất chợt lại nhớ đến cuốn film “ Chiếc Bóng Bên Đường” được trình chiếu trước năm 1975, thật ra thì Thuyên cũng chưa kịp coi cuốn film này, nhưng nhớ đại khái hình như film kể về chuyện tình của một người lính trận, có hai người yêu cùng lúc là Vợ và người Tình, và sự giằng xé nội tâm như thế nào Thuyên không rõ, chỉ biết là cuối cùng vì cuộc chiến khốc liệt nên chiến tranh đã cướp đi sinh mệnh của người đàn ông ấy, cuối cùng để lại trên đời hai chiếc bóng cô đơn trên đường đời của hai người phụ nữ ông ta đã cùng lúc yêu thương. Riêng với Thuyên và anh thì lại khác, Thuyên không thể nhớ vì cơ duyên nào mà Thuyên và anh lại biết và yêu nhau, năm ấy Thuyên vừa tròn tuổi mười chín, và thật ra tình yêu đến rất tự nhiên, không cưỡng cầu hay mong đợi, và Thuyên đã yêu anh bằng một tình yêu thơ ngây trong trắng, Thuyên không hề biết anh đã có chị, thậm chí đã có tới hai đứa con nữa chứ. Ngày ấy nếu biết anh đã có chị thì chắc chắn là Thuyên đã lặng lẽ rời xa anh, bởi Thuyên không bao giờ muốn mình là người thứ ba trong cuộc đời của bất cứ ai, bởi Thuyên là type người sống rất tình cảm nhưng cũng thiên về lí trí, biết dừng lại khi nhận ra đó là điều không đúng, vả lại không phải lúc đó Thuyên không có ai để ý yêu thương mình (nếu không muốn nói là có cả đuôi dài ca bài :“Em tan trường về, anh theo Ngọ về”).

Tình yêu của Thuyên dành cho anh là thứ tình đằm thắm và ngọt ngào, giống như rượu nếp than có ngâm thêm táo tàu, và cả nhãn nhục nữa, nên rất ngọt và dễ làm mềm môi, nhưng cũng rất say, một thứ say ngấm ngầm và thấm đẫm, và dĩ nhiên cũng rất khó làm cho tỉnh táo . . . Thật ra Thuyên cũng chỉ nhận ra điều này từ sau ngày Đất Nước Tang Thương, sau những tháng năm trải qua bao truân chuyên vất vả của cuộc đời. Bởi sau những lần bị đời vùi dập, sau những thất bại đắng cay, mỗi khi Thuyên cố tự tìm nơi ẩn náu trong một góc riêng nào đó của lòng mình thì hình ảnh của anh, và những kỷ niệm ngắn ngủi, thậm chí cả những câu anh nói khi hai người gặp nhau lại hiện ra mồn một trong đầu, và thời gian dường như ngưng đọng lại trong Thuyên, lúc đó chỉ có mỗi hình ảnh của anh với cây đàn guitar, và câu hát : “ Yêu nhau trong cuộc đời, mơ duyên tình dài. . . Ta quen nhau một ngày, thương nhau trọn đời giữ cho lâu dài . . . ” Và Thuyên đã giữ cho riêng mình tình yêu đó đến tận bây giờ, khi tóc đã ngả màu sương khói . .. Tuy nhiên, Thuyên cũng “Ngộ” ra được nhiều điều trong cuộc đời này, nên Thuyên cũng đã tự ru mình, tự buông bỏ, và tự nhận ra “Lòng Người Như Chiếc Lá Nằm Trong Cơn Gió Vô Tình”, mà đã là chiếc lá, dĩ nhiên sẽ rơi một cách nhẹ nhàng, và đã vô tình thì cơn gió đâu cần biết mình đã làm gì, đã cuốn những gì theo mình trong cơn lốc đó . . . Chính vì điều đó mà cho mãi đến bây giờ Thuyên cũng vẫn thấy mình chỉ như những câu thơ của Nguyễn Bính:

“Nhưng yêu chỉ để mà yêu

Chị còn ước muốn một điều gì hơn

Một lầm hai lỡ keo sơn

Mong gì gắn lại phím đàn ngang cung”**

Phải, đàn đã ngang cung làm sao gắn lại, thế nên cũng đành thôi, và trong Thuyên chỉ có một nỗi buồn và chỉ biết BUỒN thế thôi !!!

  Phạm Thiên Thu

Thêm bình luận

Bài vở và hình ảnh xin gởi về This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.