Anh thương yêu,

Tháng Mười Hai, Cali khởi đầu bằng những buổi sáng mù sương và se lạnh, buổi chiều trời bắt đầu sụp tối nhanh, và dường như cái lạnh cũng se sắt hơn đối với những sắc dân thuộc miền nhiệt đới chúng mình anh ạ. Theo như thông lệ của trường CCA ( Christ Cathedral Academy), đêm diễn nguyện Thánh Nhạc của Mùa Sao Sáng do các cô cậu bé học sinh của trường, từ những lớp Pre School, cho đến lớp cuối cùng của trường (Lớp 8) thường được trình diễn ở Hội Trường trong khuôn viên Nhà Thờ Chính Tòa của Giáo Phận ( còn được biết đến và thường được gọi tên là Nhà Thờ Kiếng), năm nay không còn phải ngồi ngoài Parking để xem chương trình biểu diễn được thu sẵn và trình chiếu trên màn ảnh rộng như năm trước, vì ảnh hưởng dịch bệnh vũ hán nữa. Đặc biệt năm nay còn được trình diễn ngay trong Nhà Thờ Chính Tòa, dù các cô cậu diễn viên vẫn phải đeo mask vì sự an toàn và cũng vì luật bắt buộc phải đeo mask ở nơi công cộng.

Năm nay vì nhiều chuyện bận rộn nên nhà mình không kịp mua vé để ngồi gần các cô cậu diễn viên nhí, thế nên phải ngồi ở Balcony ( dĩ nhiên ở đây được Free), có lẽ vì ngồi xa, và vì các bé đeo loại mask N95, chỗ che miệng là tấm nhựa cứng trắng trong, em thấy miệng bọn trẻ cứ như những chú vịt Donald, khoác những bộ quần áo mang mầu sắc đặc trưng của Noel ( Đỏ và Xanh lá cây), trông ngộ nghĩnh và dễ thương đáo để.

Anh thương yêu,

Thời gian quả thật cứ như mũi tên vùn vụt bay đi, và dĩ nhiên sẽ chẳng bao giờ trở lại như con người chúng mình mong muốn, thế nên những tiếc nuối vẫn mãi hoài là những niềm ray rứt khó nguôi trong lòng mỗi chúng ta, và cứ mỗi khi “Mùa Sao Sáng”, (như tên một bài hát đã được nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông sáng tác trong một mùa Giáng Sinh trước năm 1975) luôn gợi nhớ trong lòng mỗi người chúng ta vô vàn kỷ niệm, phải thế không anh ?! Nhiều người đã nhớ lại những lần Giáng Sinh đợi chờ người yêu trước cổng Giáo Đường, bởi không chỉ vì mình là người ngoại đạo, mà còn bởi nhà thờ quá đông người, khiến nên “Người Ngoại Đạo” cũng cảm thấy ngại ngùng không dám bước vào nơi Thánh Thiêng và Tôn Nghiêm ấy, cho dù cũng mong ước có được chút hạnh phúc như một câu hát nào đó: “ Cùng nhau quỳ dưới chân Chúa cao sang, xin cho đôi mình suốt đời có nhau . . .” *Cũng có người nhớ lại những Mùa Giáng Sinh phải một mình đi lễ, bởi người mình yêu thương vẫn còn phải ôm súng ở đâu đó để giữ gìn sự Bình An cho những người phía sau chiến tuyến, cho dù năm nào cũng có lệnh hưu chiến, nhưng đối với những người phía bên kia thì lại khác, thời gian hưu chiến này chính là cơ hội bằng vàng để họ có thể đánh phá hữu hiệu nhất; và nỗi nhớ thương người đang ngoài chiến tuyến đó đã kết thành những giọt lệ nóng trên môi, như “ Rồi khi tan Lễ, bước em bơ vơ trở về, chợt nghe nước mắt rơi ướt trên bờ môi khô ”**.Và cũng khác với bây giờ, Thánh Lễ nửa đêm ngày xưa ấy thường được cử hành vào thời khắc gần với Nửa Đêm Về Sáng, nên chỉ có một Thánh Lễ, sau đó là buổi Reveillon đoàn tụ của mọi thành viên trong gia đình, và có những gia đình đã biến buổi Reveillon thành buổi đón ánh bình minh, cho một ngày mới, một niềm vui và hy vọng mới, bởi Đấng Cứu Độ đã Giáng Trần, bởi Con Thiên Chúa đã Nhập Thể, đã Làm Người, và Ở Giữa Chúng Ta.

Giống với mọi người, em cũng có rất nhiều điều để nhớ, nhiều khung trời để yêu thương mỗi khi Noel về, bởi cuộc sống tuy không dài lắm, nhưng cũng đã trải qua nhiều thăng trầm. Kỷ niệm thời thơ ấu với những mùa Noel khi gia đình ở Nha Trang, và cả xứ sở “Đi dăm phút đã về chốn cũ” ***ở Pleiku không ít; nhất là kỷ niệm thời học sinh dưới mái trường Trinh Vương Yêu Dấu cũng khá nhiều, nhiều đến có thể mỗi mùa Noel đều có thể dệt nên trong đầu mình cả một khúc phim dài, đầy ắp kỷ niệm, và dĩ nhiên kỷ niệm thời sinh viên ở Sài Gòn, khi bắt đầu có bóng dáng “Áo Rằn Mũ Xanh” hiện diện trong đời cũng không phải là ít . . . Và dĩ nhiên, cả những “ Mùa Sao Sáng” nhưng lòng mình không thể sáng, từ sau năm 1975, (kể ra chắc cũng dài cả Trường Thiên Tiểu Thuyết), nhưng thôi những kỷ niệm không vui này có lẽ nên khép lại cho lòng nhẹ nhàng, thanh thản, phải không anh.

Hôm nay em muốn nhắc chút xíu với anh về Hang Đá Giáng Sinh bên quê nhà ngày xưa, và có lẽ cả bây giờ, khu Bình An, Bình Thái của quận 8 chắc cũng không có gì thay đổi, chỉ không biết là năm nay những Hang Đá được họ trưng bày trước cửa nhà, và dường như dọc suốt hai bên đường đó, có còn được mọi người chen chân từ ngay đầu cầu chữ Y để đến xem hay không. Em nhớ có lần đưa má đi xem, xe taxi không thể vào, mọi người phải đi bộ chen nhau vào chiêm ngắm, năm nay đại dịch Cúm Tầu Phù hoành hành, không biết mọi người có dám đi xem nữa không, sở dĩ em nhắc và chợt nhớ vì hôm vừa rồi, cả nhà đi qua Tustin, đến khu Red Hill xem đèn Noel, cả một khu nhà nào cũng trang hoàng thật đẹp với bao nhiêu là đèn, hình ông già Santa Claus, người tuyết ,những chú Elf ( những người thợ làm quà Noel của Santa Claus) và cả những nhân vật trong truyện cổ tích như cô bé quàng khăn đỏ, và có những nhân vật trong Film hoạt hình như Grinch chẳng hạn, nhiều gia đình làm hang đá rất đẹp và đồ sộ, nhiều người đến xem và chụp hình đó anh . .. Và em lại chợt nhớ Sài Gòn, đêm Giáng Sinh nào thiên hạ cũng tràn đầy ra đường, khu Vương Cung Thánh Đường không thể chen chân, và thật ra, không chỉ Người Công Giáo, mà dường như người ta đi chơi, đi xem đèn ở đường Tự Do ( cũ) và đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi nhiều hơn thì phải, em nghĩ vì cũng gần với Tết Nguyên Đán nên tiện thể họ trang hoàng luôn.

Tuy nhiên em cảm thấy buồn nhiều hơn vui, vì năm nay do ảnh hưởng dịch bệnh nên hàng hóa cho Noel cũng không có nhiều lắm, muốn mua một món quà cho Sonic cũng không kiếm ra, và nhất là khi ngày Sinh Nhật Chúa mà tất cả đã như bị tục hóa vì chính những người được xem là “Có Đạo” vẫn phải vất vả lo toan cho cuộc sống cơm áo gạo tiền, cho ngày mai dường như chưa thấy được chút ánh sáng cuối đường hầm vì dịch bệnh, nhất là ở Việt Nam, không biết sẽ tham dự Thánh Lễ như thế nào, cho dù vẫn có Hang Đá và Chúa Hài Đồng, em nghe như có nhà thờ nào đó ở tận Gành Hào, người ta đã trang trí Hang Đá theo thời Covid, Thiên Thần và cả Ba vị Đạo Sĩ Phương Đông đã phải đeo khẩu trang, còn cây Noél lại treo đầy những chiếc khẩu trang màu xanh thay cho cây thông Giáng Sinh thường lệ. Riêng ở Mỹ họ lại tục hóa kinh khủng hơn, khi họ không còn muốn viết những tấm thiệp Giáng Sinh bằng câu : “ Merry Christmas, Greeting Season”, mà thay vào đó là câu : “Happy Holiday”. Buồn quá phải không anh

Anh thương yêu,

Hôm nay trời mưa rả rich suốt từ sáng sớm cho tới giờ, mưa càng lúc càng nặng hạt hơn, có lẽ do ảnh hưởng của cơn bão nào đó thổi về từ hướng Bắc Cali, (thú thật với anh là đã lâu rồi em không còn muốn nghe hay xem tin tức, bởi toàn những tin tức…mình, đó cũng là lý do em không biết rõ tên của cơn bão, và nơi nó đi qua, chỉ nghe biết khi có người bạn gọi kể cho hay mà thôi). Dường như hôm nay trời Qui Nhơn cũng đang mưa thì phải, nghe bạn em nói thấy mà thương quá đi thôi “ Mưa thì mưa, cầu trời cho đừng mưa to quá để trở nên lụt lội, cũng đừng có gió bão mà trốc nóc nhà, chắc chết luôn. Đã dịch bệnh không làm ăn được gì mà còn bão tố nữa thì thiệt là khổ”. Nghe nát lòng không anh. Em nhớ hồi nhỏ có bao giờ Qui Nhơn mình bị lụt đâu, bởi người ta nói vì mình có biển nên nước rút hết ra biển rồi, chỉ sợ bão mà thôi, và em nhớ hình như năm 1963 hay 1964 gì đó, lúc em mới học đệ thất hay đệ lục gì đó là có cơn bão lớn thổi qua, lúc đó ba phải cấm trại, còn em thì bị ở trong nhà không cho ra đường, sợ gió lớn đánh bay tole ra đụng phải người mình. Từ sau 1975 tới giờ, dường như do xây cất bừa bãi nên tỉnh thành nào cũng có lụt lội, mỗi khi có chút mưa nhỏ xuống. Thiệt là chán và thương quê hương xứ sở mình quá đỗi phải không anh?

Anh thương yêu,

Anh có biết là lúc này em chán nản và làm biếng ghê lắm không, đi chụp MRI cái đầu mà cũng chưa chịu lấy hẹn, viết thư này cho anh từ hồi đầu tháng, cho tới hôm nay đã là 23/12 rồi mà vẫn chưa viết xong, cũng chẳng biết mình đang viết gì, đầu óc cứ lan man đủ thứ chuyện trên đời, chẳng chuyện nào ra chuyện nào, cho dẫu em luôn thương nhớ về những ngày tháng cũ, thương nhớ hoài khung trời kỷ niệm của tình ta. Thương nhớ một phần đời mình đã có ở đâu đó bên kia bờ đại dương xa lắc . . . Thôi thì đành dừng ở đây nhé, anh chỉ cần hiểu là em viết vì nhớ anh, nhớ thương ngày tháng cũ là đủ rồi nha. Chúc anh một Đêm Giáng Sinh Bình An.

   Phạm Thiên Thu

 

* Bài hát : Bài Thánh Ca Buồn

** Bài hát: Hai Mùa Noel

*** Thơ của Vũ Hữu Định

 

Thêm bình luận

Bài vở và hình ảnh xin gởi về This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.