- Đăng ngày 31 Tháng 12 2022
- Lượt xem: 349
Thực lòng mà nói, ban đầu tôi đã đặt tựa đề cho bài viết này là : “ Nó và Tôi”, và dường như Nó cũng thích như vậy, nhưng tôi chợt nghĩ đến bài hát “Nó và Tôi” với những câu “ Tôi Nó sinh ra nhằm chinh chiến mới quen nhau mà thương mến. Nó quê ngoài kia từ lâu lắm chưa lần về . . . Ngày tôi gặp Nó nét đăm chiêu đêm nhập ngũ, thấy thương nhau nhiều quá . . .”của tác giả Song Ngọc và Vọng Châu, nên tôi không chọn nữa vì thật ra hai nhân vật của bản nhạc là dân húi cua trong khi tôi lại là dân kẹp tóc . . . và hai nhân vật trong bản nhạc có câu “ Thấy thương nhau nhiều quá”, mà thật ra tôi chỉ cảm thông với nó và thật lòng coi nó như một “Thằng bạn sinh ra cùng thế hệ", bởi vì tôi tuy là dân kẹp tóc nhưng ngày xưa toàn chơi với dân húi cua, cho dù ngay từ những năm học Tiểu Học tôi đã học ở những trường có chữ “Nữ” đứng đầu, cũng đồng nghĩa với việc lớp toàn là con gái; và hơn nữa những người bạn húi cua của tôi là những ông anh lớn hơn tôi ít nhất cũng từ 7 tuổi trở lên, thế nên với những tên húi cua bằng tuổi tôi thường xem như “Bọn Nhóc”, và dĩ nhiên nó cũng không phải là ngoại lệ
Tôi tình cờ gặp Nó hay bảo rằng Gặp lại cũng được vì trước kia Nó và tôi ở cùng thành phố bịển thân yêu, cái thành phố biển hiền hòa và chân chất cách nay đã hơn nửa thế kỷ tình ca rồi, bây giờ thì thành phố đã thay da đổi thịt đến độ không còn chút gì của ngày xưa . . . May ra chỉ còn chút hình ảnh cũ của ngôi Nhà Thờ Chính Tòa và dãy lớp học ba tầng lầu của ngôi trường cũ đã mất tên, hiu hắt với thời gian phủ lên đó những nỗi buồn không tên, nỗi buồn mà chỉ có những người đã trải qua một thời hoa mộng nơi mái trường thân yêu đó mới ngậm ngùi, thấm thía khi nhìn ra được những đổi thay mà người ngoài cuộc không làm sao thâu hiểu. Đó là lý do mà tôi đổi lại “Hắn Và Tôi”, và từ những giòng chữ dưới đây tôi sẽ gọi Nó là Hắn
Giống như câu thơ của cụ Phan Khôi, Hắn và tôi cũng :
“Tình cờ đất khách gặp nhau
Đôi mái đầu đều bạc ”
tóc tôi và Hắn dĩ nhiên cũng đều không còn xanh nữa, và chúng tôi cùng gặp nhau nơi đất khách quê người, chỉ khác là tôi và hắn không phải là: “ Đôi Mắt Người Xưa” của nhau, cho dù hai ngôi trường của chúng tôi luôn được ghép tên cùng nhau ví dụ như : “Cường Để “ thì phải đi với “ Nữ Trung Học” , còn trường của hắn là : “La San” thì phải kèm theo trường của tôi: “Trinh Vương”, vả lại có một niên khóa nào đó các cô em gái Trinh Vương đã học chung lớp đệ nhất bên La San ( lúc bấy giờ tôi đã rời QN vào SG và hình như hắn cũng đã chuyển vào học Trường Quốc Gia Nghĩa Tử sau đó). Thật ra thì tôi với hắn cũng chẳng có chút xíu kỷ niệm chung, nhưng như một định số của cả nhiều thế hệ những người Miền Nam sau 30/4/1975, tôi với hắn và nhiều người cùng trang lứa đã bị ném vào cuộc đời theo nhiều cách khác nhau, nhưng cùng có chung một mẫu số là gian nan, cơ cực, và đắng cay khi nhận ra những bất công, giả trá đang ngày ngày xảy ra chung quanh, và dường như nó đang làm người ta hèn đi vì bị cái xã hội quản lý người dân bằng bao tử . . . Bao tử của mình bị bóp thì còn chịu nổi chứ bao tử của cha mẹ già và con thơ thì người ta đôi khi phải chịu nhục, chịu hèn vì cái Đói . . . có nhiều người lâu ngày thấy cũng quen cũng thường . . . Nhưng cũng nhiều người không thể nào thấy quen được . . . Tôi và hắn cùng có chung một điểm Thà chịu Khổ chứ Không thể chịu Nhục, thế nên cả hai, tôi và hắn đều một thời long đong trong cuộc sống, nhưng cũng vì long đong vất vả đó mà ngày hôm nay tôi có thể tự hào với chính bản thân mình là chưa làm điều gì khiến lương tâm mình phải áy náy hối hận, chưa bao giờ phải cúi đầu chịu nhục với những kẻ có quyền co bóp cái bao tử của mình . . . Tôi đã từng bỏ ngang vài công việc mà lẽ ra chỉ cần khom cái lưng một chút là cũng đủ an nhàn, thậm chí khi bỏ đi là phải bỏ mất cả phần công sức lẽ ra mình phải được nhận vì đó là mồ hôi nước mắt của chính mình, chứ không phải ăn chặn trên đồng lương của ai khác . . .
Tôi gặp hắn tình cờ trong một buổi tiệc gây quỹ của các Soeur Trinh Vương, tôi đã đại diện đặt hai bàn cho trường tôi và La San, dù không biết có bao nhiêu học trò cũ của cả hai trường tham dự, tôi dự định nếu nhiều hơn thì tốt, sẽ ngồi thêm bàn, còn nếu không đủ thì tôi sẽ “bao chót”, và tôi đã gặp hắn ở đó, khi chồng của người bạn cùng đi nhận ra hắn là anh vợ của cậu ta, mẹ của cậu này là bạn của mẹ tôi nên từ đó thi thoảng tôi có gặp hắn và cậu ta khi tôi đi lễ vào sáng Chúa Nhật, khi biết hắn ngày xưa cũng đi Không Quân và cùng liên khóa với mấy người bạn của tôi, thế nên khi tôi tham gia vào Ban Tổ Chức Đại Hội “Tìm Về Kỷ Niệm” nơi ngôi trường Huấn Luyện Fort Rucker Aviation, bên bờ hồ Tholocco ở Alabama, nơi đã huấn luyện cho 12 màu mũ Trực Thăng của Không Lực VNCH thì hắn cũng ủng hộ tôi bằng một vé trở về nơi một trời thương nhớ, của các anh chàng “ tài xế máy bay chuồn chuồn” cho dù ngày xưa hắn không học Trực Thăng ( Ngày xưa hắn cũng học ở Mỹ nhưng học A37, nên huấn luyện ở nơi khác, sau khi chia tay các bạn ở trường sinh ngữ Lackland)
Như mọi người đều biết “Tha Hương Ngộ Cố Tri” nên hắn và tôi cũng dễ dàng thân thiết với nhau hơn, vì dẫu sao cũng có chung một nơi chốn để nhớ về . .. Đó là cái thành phố biển hiền hòa, dẫu rằng thành phố ấy không phải là quê hương của chúng tôi, và ngày xưa khi ở Qui Nhơn, chúng tôi không phải là bằng hữu, và thậm chí tôi cũng còn không biết hắn là ai nên dĩ nhiên không có chung chút kỷ niệm nào. . . Nhưng ở cái xứ sở cách xa quê hương mình cả ngàn dặm đường, nơi mà dường như nhiều người tỵ nạn gọi nhau là “Đồng Hương”, nhưng thật ra cũng chẳng thiếu gì những dối trá lọc lừa, nghi ngại trong giao tiếp thì chuyện tôi và hắn bỗng dưng trở nên thân thiết với nhau cũng là lẽ thường tình, và cho dù mọi người đều tin rằng khó mà có được tình bạn thật sự giữa hai người khác phái chăng nữa thì hắn và tôi cũng vẫn cố bám víu lấy thứ tình bạn mong manh này, với lý do rất đơn giản là tôi tuy không phải là đàn ông nhưng lại rất nam tính và thẳng thắn . . . Nhưng thật ra thì dù có nam tính thế nào chăng nữa thì tôi cũng vẫn có đủ cái “ Giác Quan Thứ Sáu” của phụ nữ mà nhìn ra tình cảm của hắn đang dần xoay chiều đối với tôi; nhất là có lần hắn tự dưng nói với tôi là sẽ gọi tôi là “Pleiku”, và khi tôi hỏi tại sao thì hắn không trả lời mà hỏi ngược lại tôi có biết bài hát “ Còn Chút Gì Để Nhớ ” không, tôi trả lời “ Biết rồi sao”, thì hắn tưng tửng trả lời : “Em Pleiku má đỏ môi hồng may mà có em đời còn dễ thương” Tôi cũng trả lời tưng tửng với hắn “ Ông khùng quá. Tui giờ này chỉ có “ má hóp môi chì” và xui cho thằng cha nào số con rệp mới có tui, có tui chỉ có nước ca: “Xui mà có em đời nhiều thảm thê” thì có. Bởi thế nhiều lần tôi đã phải bóng gió “ Tâm Sự” với hắn rằng Tôi và Hắn chỉ nên đứng ở hai bên lằn ranh dù mong manh chăng nữa, vẫn còn tốt hơn vạn lần khi cái lằn ranh mong manh đó bị phá vỡ, thà là cứ như thế này còn hơn, và nhiều lần tôi đã phải đi “Tìm Vợ” cho Hắn, nhưng hắn lại từ chối và tôi cũng hơi khó chịu một chút, một chút thôi, vì tính tôi không hay giận dỗi ai lâu, nhất là khi tôi thấy mình không còn trẻ nữa, và cảm thấy ngày tháng sao qua quá nhanh, mới đó mà đã gần nửa thế kỷ “Thống Nhất Đất Nước”, mới ngày nào tôi đang còn là “Cô sinh viên hay buồn thường nhắc nhớ những chiến công”( một câu hát trong nhạc phẩm “Anh Không Chết Đâu Em”của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, nói về Đ/U Nhảy Dù Nguyễn Văn Đương) vậy mà bây giờ tóc đã không còn xanh nữa, và cái đau nhức mỏi mòn của người già đang dần xâm chiếm ngày một nhiều hơn nơi tôi, và tôi nhận ra quỹ thời gian của mình không còn nhiều nữa, đặc biệt khi ngày càng nhận được tin nhiều người quen của mình đã từ bỏ cuộc rong chơi nơi trần thế này một cách bất ngờ . . .
Giống như hồi còn bé đang chơi trò cút bắt với nhau thì bị mẹ gọi về ăn cơm hay học bài, cứ thế từng người thân quen hay bè bạn rời bỏ ta đi, từ đó tôi đã thay đổi khá nhiều trong tính nết của mình, biết bỏ qua những điều không cần thiết, biết quên đi lỗi lầm của người khác đã gây nên cho mình, cho dẫu đôi khi cũng thấy ngậm ngùi cho thân phận già nua nơi xứ xa, và đôi khi cũng đắng họng, nghẹn ngào nuốt không trôi những nỗi buồn hay những giọt nước mắt chực trào ra khóe mắt . . . Chính vì lẽ đó mà tôi cũng chẳng hơi đâu mà giận dỗi hắn lâu . . . Thật ra thì hắn đối với tôi cũng rất tốt, ví dụ như cách nay vài năm, khi tôi phải giải phẫu, cắt bỏ đi một phần cơ quan tính ra cũng không còn cần thiết lắm đối với những người phụ nữ tóc đã phai xanh rồi như tôi, (cho dù nếu có thì cũng tốt hơn không), sau hơn 4:30 phút gây mê, tôi được đưa xuống phòng, khi mở được mắt nhìn quanh, khi chưa nhận biết mình đang ở đâu, và đang như thế nào, trong cái màn sương mờ ảo đó, tôi nghe tai mình như có tiếng ù ù, lờ mờ nhìn thấy đứa con gái hỏi:“Mẹ tỉnh rồi hả, mẹ có mệt không, con chờ lâu quá ”, tôi chưa định hình được điều gì trong đầu mình, thì thấy Hắn đứng kế bên con gái tôi và nói : “ Mẹ tỉnh rồi, con đi về đón mấy cháu và lo cho tụi nhỏ đi, chú sẽ ở đây với mẹ, chừng nào hết giờ, bệnh viện Đuổi thì chú về, ngày mai con có bận đi làm hay lo cho mấy cháu thì cứ lo, để chú vô thăm mẹ cho”, Con gái tôi trả lời hắn : “ Cám ơn chú, trong này không phải lo gì ăn uổng, bệnh viện họ lo hết, chú bận thì không vô cũng được mà” Hắn trả lời : “ Không sao, chú đâu có làm gì, sợ mẹ con kén ăn, thức ăn bệnh viện chắc mẹ con ăn không được, để chú mua phở cho mẹ con” “ tui không ăn gì hết, mua phở vô đây nguội ngắt ai ăn cho nổi, ông ghé nhà lấy nước soup con gái tui nấu tui uống thôi, còn đồ ăn trong bệnh viện, chắc tui chỉ uống sữa tươi và nước trái cây, còn ông vô ăn giùm tui cũng được . . . Tôi nằm bệnh viện mấy ngày là Hắn có mặt đủ mấy ngày, và dù đi đứng có khó khăn, hắn cũng ráng đi mua những thứ mà tôi nghĩ là mình sẽ có thể nhâm nhi khi buồn, nhưng thật ra tôi cũng không thể nào nuốt nổi, nên khi hắn vô tôi lại ép hắn ăn hay đưa về . . .và khi xuất viện Hắn cũng dành đưa tôi về nhà, chuyện vui, chuyện buồn gì của gia đình như Sinh Nhật hay Giỗ chạp gì cũng có hắn, ví dụ như khi tôi đi thi Quốc Tịch thì hắn cũng đi theo, ngồi chờ ở waiting room, khi tôi đi Tuyên Thệ hắn cũng đi theo, khi tôi mới đậu bằng lái xe, cần có người ngồi kế bên cho đỡ sợ và nhắc nhở thì hắn cũng là người đi cùng, nói chung là “hầm bà lằng xắng cấu” gì cũng có mặt Hắn . .. Và dĩ nhiên tôi không phải chỉ để hắn đỡ đần mình, khi hắn mổ mắt tôi cũng giúp đưa đón lại hắn, nói chung chúng tôi là những người bạn . . .
Thế nhưng “Đùng một cái”, y như trong một câu hát của Từ công Phụng : “Sao khi không người ngoảnh mặt kiêu sa . . .” tôi cũng chẳng hiểu tại sao hắn nhắn tin cho cả đám bạn rằng hắn chán đời và chắc hắn sẽ chết, mấy thằng bạn ở các tiểu bang xa xôi, lo sốt vó mà chẳng hiểu chuyện gì, nên vội gọi điện thoại hỏi tôi xem hắn ra sao, có chuyện gì xảy ra cho hắn, tôi cũng lờ mờ hiểu chút xíu tâm tư tình cảm của hắn, nhưng làm sao tôi có thể nói với mấy thằng bạn kia nguyên do . . . Và rồi theo thời gian mọi việc gần như đi vào quên lãng của chúng tôi, thì bỗng dưng tôi có một chút chuyện không mấy vui, thực ra nếu tôi cứ để yên như vậy thì cũng không sao, nhưng bất chợt tôi lại nhớ đến hắn, và tôi lại gọi phone cho hắn, dường như hắn cũng có vẻ vui khi nghe tôi gọi, và cái con Virus Wuhan đã lại giúp tôi và hắn làm hòa với nhau, tôi lại làm công việc “take care” cho hắn, thực ra tôi làm không vì vấn đề tiền bạc mà vì tôi cần có cái gọi là W.2 để khai thuế, hắn thì nói giúp tôi để trả ơn vì những sụ tử tế mà gia đình tôi đã đối đãi với hắn trong những ngày tháng trước đây, khi hắn chưa có housing . . .
Thực lòng mà nói, take care cho hắn cũng chẳng có khó khăn gì, một tuần vài bữa, sau khi đưa cháu đến trường, ghé qua nấu cho hắn món gì đó rồi ngồi tán dóc, coi TV, ăn cơm với hắn xong lại coi TV cho tới giờ đi đón các cháu về, thỉnh thoảng đi chợ mua linh tinh, hắn ăn uống cũng đơn giản và không nhiều, vả lại mình có cảm giác bạn bè giúp nhau hơn là những người thực sự phải làm công việc của một Provider cho IHSS . . . Cứ tưởng giòng đời cứ thế mà trôi, có ai ngờ đùng một cái, tôi bị “By pass” tim, và phải tạm ngưng công việc Take Care, nhưng cũng không sao vì tôi đã nhờ người quen đem thức ăn cho hắn trong những ngày tôi chưa thể đi đứng được, và cũng vì bác sĩ không cho lái xe ít nhất là ba tháng . . .
Hắn có đề nghị sẽ đến chở tôi đi đến nhà hắn, chỉ ngồi chơi thôi cũng được, nhưng lại có một vài chuyện tế nhị không tiện nói ra đây, hắn cứ hỏi tôi “ Đủ 40 quarter rồi Thu có làm nữa không”, tôi trả lời không biết đủ chưa, nhưng dù đủ hay không thì tôi cũng vẫn tiếp tục làm cho hắn. Hắn nói tôi phải cho hắn biết nếu tôi về Việt Nam thăm con trai thì để hắn kiếm người khác, và hắn nói kiếm người là phải làm cho hắn đúng qui định chứ không phải như trước giờ tôi làm cho hắn, thực ra cơm nước cho hắn tôi vẫn lo đủ theo ý hắn muốn chứ có thiếu thốn gì đâu. Tôi cho hắn biết là sẽ tiếp tục làm chứ không có nghỉ, nếu nghỉ thì sẽ cho biết trước ba tháng . .. Thế nhưng chẳng hiểu cái kiểu tính thuế của xứ mẽo này ra sao mà đến khi hỏi thăm lại thiếu 2 quarter mới đủ 40 theo qui định.
Khi tôi báo cho hắn qua phone rằng để cho người quen tôi làm hết tháng năm và đầu tháng sáu tôi sẽ làm lại vì còn hai quarter nữa, và câu trả lời của hắn đã khiến tôi bất ngờ và như mắc nghẹn vì tôi không thể ngờ hắn cư xử đến như thế với tôi, một người từ lâu tôi coi như bạn bè thân thiết nơi xứ xa này, thế nhưng chuyện hắn báo là tìm người khác thay cũng không thể làm tôi thất vọng và thật tình “choáng váng” cho bằng khi biết người thay tôi làm cho hắn là ai, hắn làm cho tôi không thể hiểu nỗi cái đầu của hắn có cái gì trong đó, và không hiểu kiếp trước tôi có món nợ nào nặng nề với hắn đến độ kiếp này hắn phải dùng chiêu trò này để “đối phó” với tôi cho “ Bõ Ghét” đến như thế . . .
Chắc là các bạn sẽ tự hỏi tại sao, và tại sao tôi lại nói như vậy phải không. Đơn giản là cái kẻ hắn nhờ làm thay tôi là kẻ mà mới trước đây khi nạn covid còn hoành hành thì người đó có đòi đến thăm hắn cũng không muốn, thậm chí còn ngăn cản không cho tôi giúp đỡ kẻ này, cho dù thỉnh thoảng hắn cũng thường café với người này, và khi tôi nhắn nhó giải thích thì hắn chỉ chịu xuống parking lot gặp người đó và tôi chứ nhất định không cho lên nhà . . . Điều làm tôi bất ngờ vì hắn đã không hỏi tôi nhờ người đó được hay không, và nếu hắn không biết đó là kẻ đã dùng chiêu trò với bản thân và gia đình tôi, sau khi chúng tôi đã hết lòng dùm bọc giúp đỡ kẻ ấy, nhưng cuối cùng lại bị kẻ đó “ Qua cầu rút ván”, thậm chí còn “Ăn cháo đá bát” khiến hắn càm ràm tôi là :” Đã nói mà Thu không chịu nghe”, vậy mà hôm nay hắn lại quay ngược 180 độ trong cách xử xự mới làm tôi choáng váng . ..
Thật ra bài viết này cho hắn tôi đã viết xong một nửa từ lâu lắm rồi nhưng lại không có hứng để viết tiếp, khiến hắn lâu lâu lại hỏi xong chưa, và nếu không có chuyện “Thay ngựa giữa dòng” của hắn có lẽ đoản văn này cũng sẽ không được viết tiếp . . . Nhưng tôi không phải là người thích mắc nợ ai, dù chỉ là một lời hứa đối với đứa trẻ con chăng nữa nên tôi cố gắng hoàn thành cho dù trong gượng ép, và cũng để nói cho hắn biết chút “Đạo Lý”, à không phải đến độ “Đao to búa lớn” như thế, chỉ là chuyện người đời thường hay nói, và dường như ai cũng biết đó là “ Kẻ thù của kẻ thù mình là Bạn Mình", và " Bạn của kẻ thù mình là Kẻ Thù mình" , chẳng lẽ đơn giản như thế mà hắn lại không biết hay quên . .. Vả lại năm cũ cũng đã hết rồi, tôi muốn lòng mình thanh thản và nhất là không bao giờ còn phải nhắc đến tên hai kẻ đó, một kẻ tôi coi như là em gái và hết lòng giúp đỡ, và một kẻ được gọi tên là bằng hữu, và cũng để trả món nợ cho bài viết về Hắn và Tôi
Phạm Thiên Thu
Viết xong 30/12/22