Trinh Vương thương nhớ,

Sáng nay thức dậy sớm hơn những buổi sớm khác khá nhiều, bởi đêm qua chẳng hiểu sao cứ trằn trọc mãi hoài không ngủ được, mở điện thoại xem giờ thì mới chợt thảng thốt thấy thời gian sao qua mau quá, chỉ còn một hôm nữa là Ngày Sinh Nhật, hay nói đúng hơn là “Lễ Bổn Mạng” của Trinh Vương lại đến . . .

Không dưng mình thấy lòng buồn quá đỗi, ngày Đại Lễ Mừng Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ Maria, Bổn Mạng của nhiều Dòng Tu, của nhiều Chủng Viện không chỉ ở Quê hương Yêu Dấu Việt Nam, mà còn ở nhiều nơi trên khắp Địa Cầu này, dường như trong tháng cuối cùng của năm Dương Lịch, ngoài việc náo nức, và chuẩn bị Mừng Đón Kỷ Niêm Chúa Giáng Sinh, người Công Giáo chúng mình còn hân hoan Mừng Đón Mầu Nhiệm “ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội” nữa . . .

Vậy mà riêng mình lại thấy buồn chẳng hiểu vì sao . . . Mình cứ suy nghĩ mãi, và tự hỏi: “ Chẳng lẽ đầu óc mình không được bình thường hay sao hả Trinh Vương ?! ”Nhưng suy cho cùng mọi việc trên đời này đều có nguyên nhân cả, bởi với chúng mình giờ đây việc mừng đón Bổn Mạng chỉ còn là kỷ niệm, vì Trường Mình đã bị mất tên, đã không còn được là ngôi nhà thân yêu của những cánh chim nhỏ bé chúng mình, của những đàn em, đàn cháu sau những tháng ngày nghiệt ngã đó . ..

Những tà áo trắng sân trường ngày xưa đã như những cánh chim câu hiền lành tan tác trong cơn bão loạn cuộc đời, những đôi mắt trong sáng, những nụ cười vô tư, những tiếng guốc vang vang rộn rã nơi hành lang lớp học, giờ chỉ còn trong ký ức, giờ chỉ là những kỷ niệm xa xăm trong quá khứ . . . Thế nhưng với riêng mình, tất cả dường như vẫn còn nằm yên trong một góc riêng của trái tim nhỏ nhoi tội nghiệp, trái tim đã từng bị đem ra “Clean up”, và những mạch máu đã được thay giúp con tim tội nghiệp còn có cơ hội thổn thức, thế nhưng vẫn không sao xóa hết những “Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo”*, như một câu thơ của bà Huyện Thanh Quan, và như cái đầu bướng bỉnh của chính mình. Tiếng giảng bài sang sảng năm nào của các soeur và thầy cô như vẫn còn âm vang trong ký ức, tiếng gió của chiếc thước to bản trong tay Soeur Josepha vào giờ Vật Lý vẫn phần phật phát vào tà áo dải đau điếng, khiến những khuôn mặt nghịch ngợm phải cau mày nhăn trán, giọng hát vút cao của cô Yến trong giờ pháp văn năm xưa với : “Người ơi một chiều nắng tơ vàng hiền hỏa hồn có mơ xa …”** dường như vẫn còn vang vọng lại trong từng nỗi nhớ, tiếng bình giảng của thầy Nguyễn Mộng Giác và tác phẩm Chinh Phụ Ngâm với những câu thơ gợi lên từng hình ảnh của một chuyện tình chia cắt :“ Chàng từ đi váo nơi gió cát. Đêm trăng này nghỉ mát phương nao” như vẫn đang làm lòng mình dậy lên những cảm xúc bồi hồi của một thời chinh chiến tưởng đã xa vời trong quá khứ nhưng thật ra vẫn âm ỉ gợi lên trong lòng từng nỗi nhớ xót xa vào những đêm bỗng dưng khó ngủ . . . 

Trinh Vương thương nhớ, 

Qui nhơn bây giờ đang là mùa mưa, những cơn gió đông vẫn lạnh lùng thổi qua từng con phố giờ này không còn đìu hiu như những tháng năm xưa cũ phải không Trinh Vương, những con đường rộng lớn hơn xưa gấp nhiều lần, với những con người cũng trở nên xa lạ gấp nhiều lần, và không hiểu có phải vì mình quá khó tính, quá hoài cổ, và cũng quá già mất rồi nên thấy moi sư bỗng trở nên xa lạ, những con đường thân yêu ngày xưa, và ngay cả ngôi nhà cũ của chính gia đình mình, nơi mình từng trải qua một thời thiếu nữ với vô vàn kỷ niệm, giờ cũng chợt lạ xa, và dường như chật hẹp, gò bó, và kệch cỡm vì cái vẻ ngoài đã hoàn toàn thay đổi . . .

Vẫn biết chẳng có gì tồn tại với thời gian, nhưng vì mình xa Qui Nhơn lâu quá, và vì những cảm nhận đầu tiên của mình với Qui Nhơn, thành phố biển mình gặp sau thời gian mình quá quen thuộc với thành phố biển Nha Trang, nơi có những hàng thông thấp và được cắt tỉa gọn gàng theo hình chóp nón, có con đường Duy Tân rộng dài tít tắp (so với cái nhìn của một đứa trẻ con là mình lúc bấy giờ), con đường với những dãy nhà khang trang của Dòng Tên, ngôi Trường Huấn Luyện của Binh Chủng Hào Hoa nhất Nước là Không Quân, cùng với Không Đoàn 62, và cuối đường là Trường Huấn Luyện Hải Quân, Hải Học Viện …Thành phố Nha Trang, thành phố của Lính Quân Trường (Trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế, Trung tâm Huấn Luyện Dục Mỹ . ...) thì Qui Nhơn lúc bấy giờ chỉ là cô gái quê chân chất với bãi biển còn hoang sơ với những cây dương gầy gò cao phất phơ trong gió, con đường Nguyễn Huệ dài và hẹp với ngôi trường nằm phía bên kia đường mang tên Tân Bình ( sau niên khóa 1963 -1964, bị trưng thu trở thành Nữ Trung Học sau này) giờ bỗng dưng chật hẹp với xe cộ, hàng quán và người, nhưng lại trở nên thênh thang và xa lạ trong lòng mình biết mấy Qui Nhơn ơi!!!


Trinh Vương thương nhớ,

Kỷ niệm thì vô vàn, không làm sao kể hết chỉ trong một vài ngàn chữ, bởi mỗi lần mình nhớ tới Qui Nhơn, nhớ tới Trinh Vương là trùng trùng điệp điệp nỗi nhớ ào về, giống như Tsunami ập đến với lòng mình, với tâm trí mình, mọi thứ cứ chen chúc nhau trôi bềnh bồng, kỷ niệm này tranh cãi với kỷ niệm kia, bạn bè thầy cô, và cả thời tiết nắng mưa của Qui Nhơn, những quán café, những bản nhạc, nơi chốn hẹn hò của mình của bạn . ..


Thôi nhé Trinh Vương, cho mình hẹn lại nhé, lần sau mình sẽ kể cho Trinh Vương những niềm nhớ khôn nguôi trong lòng mình nhé. Yêu thương Trinh Vương và Qui Nhơn mãi mãi, một phần đời của mình đã được ươm mầm và trưởng thành nơi đó . . .Gửi lại Trinh vương niềm thương nỗi nhớ khôn nguôi trong lòng mình và bè bạn.

Mong những người học trò cũ dù ở nơi đâu trên thế giới này, hay còn trên quê hương mình luôn nhớ đến Ngày Lễ Bổn Mạng 8/12 hàng năm, để những người thầy, những Soeur vẫn còn hay đã ra đi luôn thấy lòng ấm áp vì đã không uổng công làm Người Đưa Đò cho những cô bé ngày xưa trở thành những người hữu ích cho Xã Hội và nhất là cho Giáo Hội thân yêu Yêu thương gửi mãi đếnTrinh Vương 

   Phạm Thiên Thu

 

Thêm bình luận

Bài vở và hình ảnh xin gởi về This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.