- Đăng ngày 11 Tháng 1 2010
- Lượt xem: 2193
Tôi gặp thày và cô trên đường Nguyễn Huệ, đoạn gần Ngân khố Quốc Gia – Hôm đó tôi đi cùng với mẹ để rút tiền gửi ngân hàng Việt Nam Thương Tín ở Qui Nhơn chuyển vào do lúc bấy giờ QN đã không còn thuộc quyền kiểm soát của chế độ Việt Nam Cộng Hòa nữa – Gặp lại thày cô giữa những ngày mùa hạ khác thường, những ngày mọi người như đang ngồi trên thùng thuốc súng tôi mừng còn hơn bắt được vàng ; mặc dù thày là người mà tôi “ngán” nhất trong năm cuối cùng học ở Trinh Vương ; nhưng Thày cũng lại là người mà tận trong thâm tâm tôi thương quý nhất . Tất cả những ai biết thày cũng đều phải công nhận Thày là người mà khi mới gặp lần đầu rất khó có cảm tình, nhưng nếu học với thày thì kiến thức chuyên môn cũng sự tận tâm của thày chắc chắn không một ai có thể quên được
Tại sao tôi ngán thầy các bạn biết không ? Ngày xưa các trường tư thục thường mong có tỷ lệ học sinh trường mình đậu tú tài cao ( vì như thế thì năm học tới sẽ có nhiều phụ huynh cho con mình theo học hơn). Có lẽ một phần vì như thế, cũng như muốn cho học trò của mình đạt kết quả tốt nên trường Trinh Vương chúng tôi, mức học phí vẫn giữ bằng những trường khác nhưng số giờ học của các môn chính đều tăng thời lượng lên gấp đôi _ Thày Quan dạy chúng tôi môn Hình học không gian- Quang- Điện và cả Hóa học nữa, các bạn cứ tưởng tượng, tất cả bằng ấy môn đều gấp đôi giờ lên thì một tuần chúng tôi gặp thày bao nhiêu buổi ?. Hầu như ngày nào chúng tôi cũng gặp thày, có khi cả buổi sáng, vừa nghỉ trưa xong chiều vào lại gặp thày, mà không hiểu sao, hễ cứ vào lớp là thày lại gọi tôi lên bảng ( có lẽ tại tôi ngồi bàn đầu, lại ngồi đầu bàn chăng ?!) .
Các bạn cứ tưởng tượng và nhớ lại dáng đi của thày khi vào lớp là các bạn thấy tức cười liền nhiều khi vừa bước vào lớp, chưa đến bàn của giáo viên thày đã vừa đi vừa nói mà không cần nhìn chúng tôi “chị Thu lên bảng ”, một đứa vừa dốt, vừa thiếu óc tưởng tượng như tôi mà cứ hình học không gian mà “ tra tấn ” kiểu đó thì làm sao tôi không ngán cơ chứ - mà nào có phải chỉ một môn toán, còn Quang , Điện và nhất là Hóa nữa mới chết người. Có nhiều hôm tôi và nhỏ bạn chở nhau đi ăn sáng trên tận khu sáu ( quán phở công binh ), và nhất định cố tình vào lớp trễ hơn thày 5 phút, cứ tưởng “ thoát nạn”, ngờ đâu khi vào lớp thì thấy thày đang xăm soi quyển sổ điểm danh và trên bảng thì chưa có bạn nào “thế mạng”, tôi đau khổ về chỗ, vừa bỏ cặp vào hộc bàn thì đã thấy thày “chiếu tướng”. .. “ chị Thu. . .” không đợi thày nói hết câu tôi đã phải vừa cười vừa mếu để lên bảng. mấy đứa bạn thân của tôi thắc mắc “ sao ông thày Quan lúc nào cũng kêu con Thu vậy bay, chắc ổng ghét nó. . . ” Tôi thì không nghĩ như vậy nhưng tôi lại nghĩ có lẽ tại tôi cùng họ Phạm với thày nên thày hay gọi tôi chăng, nếu thế thì sao thày không gọi Thu Lan, nó cũng họ Phạm ( trong lớp chỉ có hai đứa tôi họ Phạm)
Thật tình cho đến tận mấy chục năm sau tôi vẫn không hiểu tại sao thày hay gọi tôi lên bảng, nhưng dù vì bất cứ lí do nào chăng nữa tôi vẫn cám ơn và vô cùng biết ơn thày, chính vì như thế mà tôi phải làm bài, học bài mỗi ngày để không phải “ chào cờ” trên bảng- dĩ nhiên cũng có nhiều khi bị chào cờ vì không biết giải bài ra sao, nhưng chưa bao giờ thày mắng mỏ tôi một tiếng nào – nhờ thày và thày Độ nên khi vào Sài Gòn học tôi đã rất tự tin dơ tay xung phong lên bảng giải toán mà không mặc cảm mình là một cô học trò tỉnh lẻ, nhút nhát quê mùa
Thày Quan và thày Độ là hai thái cực, trong lúc thày Độ giảng xong bài, quăng viên phấn kết thúc bài, đĩnh đạc bước ra khỏ lớp gần như đúng giờ thì thày Quan, có nhiều khi “ăn gian” luôn giờ ra chơi của chúng tôi, và khi thày bước ra khỏi lớp thì hai bên túi quần thày hình như luôn dính đầy phấn
Thày có nhiều đặc biệt để tôi luôn nhớ về thày, ví dụ như dáng đi của thày, chiếc xe của Thày, trong lúc thày Độ đi chiếc Honda 67, thày Giác, thày Tâm, thày Tùng đi Vespa, Lambretta thì thày đi chiếc Suzuki dame. Các thày khác để xe bên ngoài nhà để xe, thì thày lại luôn dắt xe vào góc cầu thang bên trong đường dẫn lên phòng giáo viên- các thày khác hay ghé phòng giáo viên trước giờ vào lớp thì thày hầu như vừa đến trường, dựng xong chiếc xe, lên hết cầu thang là chuông reo và cứ thế là thày vào thẳng lớp chúng tôi- Các thày khác thỉnh thoảng còn cười đùa với học trò, riêng thày thì tôi nhớ hình như không bao giờ chúng tôi dám giỡn hớt . . .Thế nhưng không vì thế mà chúng tôi không thương yêu thày- Tôi nhớ hồi đó có lẽ thày là người thày duy nhất thỉnh thoảng lái xe hơi đi dạy học – Kỷ niệm về thày cũng không nhiều như kỷ niệm với thày Châu và các soeur nhưng chắc chắn không bao giờ chúng con không nhớ đến thày
Con xin lỗi là trong những năm tháng qua con đã không biết tin tức gì của thày, không biết thày ở đâu, nhưng mỗi khi bạn bè chúng con gặp nhau, chúng con luôn nhắc đến các thày cô, các soeur đã từng dạy chúng con dưới mái trường Trinh Vương và lúc nào tụi nó cũng nhớ đến thày và luôn kèm theo câu : “chị Thu lên bảng ”
Con cám ơn công ơn thày đã dạy dỗ chúng con- nhờ có thày và các thày cô khác mà ngày nay chúng con mới có được chỗ đứng dù nhỏ nhoi trong xã hội này-
Thày qua đời chúng con không hay biết – Bài viết này như một nén hương kính viếng hương hồn thày- con nghĩ rằng thày đang ở đâu đó và thông cảm cho chúng con, những đứa học trò đang tản mác khắp nơi trên thế giới này- Phù hộ cho chúng con thày nhé!
Thay mặt tất cả các bạn Trinh Vương đã từng học với thày
Phạm Thiên Thu