alt
                         -  Chương 8  -
Tình riêng dấu lệ - Đáp mối duyên chung
Hôn kỳ đã định, Huyền Trân từ biệt Trúc Lâm Đại Sĩ
Tưởng nhớ người xưa,nén lòng nhận mối duyên chung.
*

1.       Xuân đi Xuân chẳng chờ ai
2.      Cành Xuân sót một đóa mai cuối cùng
3.      Vô tình trời nổi đông phong
4.      Cánh hoa tơi tả cuốn trong bụi trần
5.      Đời người tựa áng phù vân
6.      Hợp tan tan hợp bao lần đổi thay
7.      Nàng hồi tưởng chuyện hôm nay
8.      Khi nghe Quốc Chẩn tỏ bày nguồn cơn
9.      Những lời tính thiệt suy hơn
10.    Như trò đổi chác hôn nhơn của nàng
11.    Bây giờ chiếu chỉ đã ban
12.    Hôn kỳ đã định món hàng đã giao
13.    Chỉ còn biết trách trời cao
14.    Đem chi hồng phấn đặt vào cung Vua
15.    Bây giờ duyên nợ đẩy đưa
16.    Mới hay con tạo có chừa ai đâu
17.    Thà rằng nhận quả trầu cau
18.    Còn hơn Ô - Lý hai châu xứ người
19.    Mai kia biền biệt phương trời
20.    Biết đâu ấm lạnh cuộc đời Vương Phi
21.    Rồi ra là bậc Mẫu Nghi
22.    Hay buồng xuân khóa cung vi lạnh lùng
23.    Hồng nhan tương ngộ anh hùng
24.    Hay như sen trắng nở trong ao tù
25.    Con đường phía trước mịt mù
26.    Cũng đành dấn bước mặc dù tương lai
27.    Lòng riêng nặng khối tình ai
28.    Giữ riêng mang xuống tuyền đài mà thôi
29.    Tơ duyên Vua đã định rồi
30.    Cố lưu luyến chỉ lụy người thiệt thân
31.    Thuyền tình dạt bến sông Ngân1
32.    Góp mười năm mộng được ngần ấy thôi
33.    Chàng giờ sương gió xa xôi
34.    Thiếp giờ lệ tủi đơn côi cô phòng
35.    Trăng vàng vẫn chiếu qua song
36.    Hỡi ôi lòng chẳng dám mong người về
37.    Nhớ người nhớ đến tái tê
38.    Lại mong người mãi sơn khê bạt ngàn
39.    Cũng đành bỏ dỡ cung đàn
40.    Cũng đành để tiếng phụ phàng tình quân

alt
Son phấn mà chi

41.    Tình riêng là của Huyền Trân
42.    Duyên chung là của muôn dân tác thành
43.    Thương cũng đành nhớ cũng đành
44.    Để cho oanh yến lìa cành phân ly
45.    Son mà chi phấn mà chi
46.    Gấm nhung rồi có ích gì nữa đâu
47.    Mốt mai chân bước qua cầu
48.    Bơ vơ đất khách nuốt sầu tha hương
49.    Có ai nhớ có ai thương
50.    Có ai nhặt hộ nắm xương bên trời
51.    Việc trăm năm đã lỡ rồi
52.    Việc ngàn năm có tài bồi cho chăng
53.    Gẫm soi thanh sử gương hằng
54.    Thân ta dẫu có, sao bằng An Tư2
55.    Muôn năm trọn tiếng anh thư
56.    Xem đời Công Chúa nhẹ như lông hồng
57.    Xả thân đền nợ núi sông
58.    Để rồi chìm lắng trong vòng lãng quên
59.    Triều đình không nhắc đến tên
60.    Nhưng hồn sông núi còn rền tiếng trung
61.    Người xưa vì nước một lòng
62.    Ta nay tiếc chút nhan hồng sao đang
63.    Nàng tìm Thái Hậu vấn an
64.    Xin Anh Tông được lên đàng thăm Cha
*
65.    Bâng khuâng cảnh nước non nhà
66.    Lòng nao nao ngắm những tà áo nâu
67.    Mục đồng vắt vẻo lưng trâu
68.    Gánh ai kẽo kẹt về đâu đường chiều


69.    “Chiều chiều con quốc3  buồn thiu
70.    Bên bờ Thiên Mạc4  nó kêu não nề
71.    Đêm đêm con vạc lại về
72.    Hai con than khóc tỉ tê canh dài”

73.    Lời ru mộc mạc của ai
74.    Nghe thân thương quá, nhớ hoài chẳng quên
75.    Hỡi người nghệ sĩ không tên
76.    Cho ta gởi với nỗi niềm Huyền Trân
77.    Mốt mai ngàn dặm chôn thân
78.    Có ai nhớ tới Huyền Trân chiều chiều

alt
Có ai nhớ tới
*
79.    Đường lên Yên Tử5  cheo leo
80.    Suối tuông róc rách thông reo bên triền
81.    Cỏ hoa cũng nhuốm màu Thiền
82.    Non bồng nước nhược cảnh tiên giữa trần
83.    Thu không vọng tiếng chuông ngân
84.    Lững lờ mây phủ Ngọa Vân6  đỉnh đầu
85.    Thiền Sư chống gậy qua cầu
86.    Xuống am Long Động7  gặp nhau tủi mừng
87.    Sư rằng: “Trong chốn hồng trần
88.    Bao nhiêu cát bụi ấy ngần khổ đau
89.    Nhân duyên nghiệp quả trước sau
90.    Tham sân si hận kết nhau mà thành
91.    Phân biên giới tạo chiến tranh
92.    Xót cho muôn vạn sinh linh cơ cầu
93.    Làm sao nhân thế bớt sầu
94.    Làm sao lấp cạn hố sâu hận thù
95.    Trước kia trong chuyến vân du
96.    Ta mong con được làm dâu Chiêm Thành
97.    Chăm-pa văn vật hữu tình
98.    Chế Mân là đấng hùng anh đương thời
99.    Cùng con Long - Phượng sánh đôi
100.    Tránh cho Chiêm - Việt đời đời can qua
101.    Vì Đại Việt vì Chăm-pa
102.    Con đi một bước hai nhà bình an
103.    Con đi có cả giang san
104.    Có ta cùng với Mẫu Hoàng đi theo
105.    Bằng đôi tay nhỏ thân yêu
106.    Con sẽ cứu vớt bao nhiêu dân lành”
107.    Lời khuyên nghe tựa câu kinh
108.    Hốt nhiên nàng thấy tâm mình sáng soi
109.    Trong tim chan chứa tình người
110.    Thiền Sư hé nở nụ cười Từ Bi
*
111.    Đã lòng không thể không đi
112.    Thì đi cho xứng Mẫu Nghi của người
113.    Đi cho trăm họ an vui
114.    Cho bao thù hận muôn đời xóa tan
115.    Rưng rưng giã biệt Phụ Hoàng
116.    Cố ngăn dòng lệ ướt hàng mi xinh
117.    Dốc lòng nghiên cứu y kinh8
118.    Học ngôn ngữ, học văn minh Chiêm Thành
*
119.    Tháng ngày lần lửa qua nhanh
120.    Xuân về vắt vẻo trên cành hoa mai
121.    Tình xuân biết tỏ cùng ai
122.    Đêm xuân khẽ tiếng thở dài bâng quơ
123.    Mộng xuân dệt lại thành thơ
124.    Câu mong ray rức câu chờ xót xa
125.    Ngây thơ mười tám xuân qua
126.    Tiếc mùa xuân cuối quê nhà dần trôi
127.    Năm sau chốn ấy xa xôi
128.    Biết xuân có đến với người ly hương
129.    Lòng dâng ngập nỗi nhớ thương
130.    Giờ đây chàng ở tận phương trời nào
131.    Từ sau hộ giá hồi trào
132.    Ra đi không một lời chào cố nhân
133.    Lánh xa “đại tỷ Huyền Trân”
134.    Bốn năm biền biệt gót chân giang hồ
135.    Âm thầm xây mối tình thơ
136.    Yêu sâu đến thế mà hờ hững nhau
137.    Ông tơ bắt lộn nhịp cầu
138.    Thì thôi hẹn lại kiếp sau hỡi người.

*       *        *

1Sông Ngân:  Sông Ngân Hà, tích vợ chồng Ngưu Lang, (người con trai chăn trâu), và Chức Nữ (cô gái dệt lụa, gấm). Chức Nữ là con của Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng cho sánh duyên cùng Ngưu Lang. Nhưng sau khi lấy chồng đâm ra lười biếng, bỏ cả chuyện dệt vải. Ngọc Hoàng tức giận chia cách mỗi người ở một đầu sông Ngân  Hà. Mỗi năm chỉ cho được gặp nhau một lần vào đêm mồng bảy tháng bảy, mùa mưa ngâu. Đêm ấy chim Ô(quạ) và chim Thước(chim khách) bắt cầu qua sông Ngân để họ gặp nhau . Chữ Ngân đọc trại thành Ngâu nên còn gọi đó là cuộc tình Ngâu .
2Công Chúa An Tư (?-?) là con gái vua Trần Thái Tông, em gái út của vua Trần Thánh Tông, tức là Bà Cô của Huyền Trân Công Chúa. Đầu năm Ất Dậu (1285), quân nhà Nguyên đã đánh tới Gia Lâm vây hãm Thăng Long.  Chiến sự buổi đầu bất lợi. Tướng Trần Bình Trọng lại hy sinh ở bờ sông Thiên Mạc. Trong lúc  cần phải có thời gian để củng cố lực lượng, tổ chức chiến đấu, bởi vậy, Thượng hoàng Trần Thánh Tông bất đắc dĩ phải dùng đến kế mỹ nhân,  sai người dâng em gái út của mình cho tướng Thoát Hoan để tạm cầu hòa.
Nhà Trần trở thành triều đại vinh quang nhất trong lịch sử Đại Việt vì đã ba lần chiến thắng quân Nguyên, một đội quân đã từng làm mưa làm gió khắp Á – Âu. Trong chiến công chung đó người ta ghi nhận sự đóng góp, sự hy sinh thầm lặng của những người phụ nữ, trong số ấy có công chúa An Tư. Người con gái “lá ngọc cành vàng” ấy vì nợ nước đã ra đi không trở lại. Nhưng trớ trêu thay, sau chiến thắng quân Nguyên, tháng 7 năm 1285, Vua trở về kinh thành hân hoan khen thưởng những người có công, nhưng không ai nhắc tới Công Chúa An Tư. (BKTT mở)
3Con chim Cuốc, chim Quốc. Cũng là chim Đỗ Quyên.  Chuyện vua Đỗ Vũ nước Thục sau khi phải nhường ngôi cho Bá Linh, vì tưởng tiếc ngai vàng mà chết đi,  hóa ra chim Đỗ Quyên hay Đỗ Vũ. Nguyễn Du trong truyện Kiều có câu: “Ấy hồn Thục Đế hay hình Đỗ Quyên”.

4Sông Thiên Mạc: Nơi Trần Bình Trọng đã liều chết chận đứng quân Mông Cổ để Hai Vua Nhân Tông và Thánh Tông có thời gian bỏ Thăng Long chạy về Thiên Trường ở Nam Định. Trong trận đánh chiến lược vô cùng quan trọng này cả đoàn quân của Ông bị tiêu diệt, Ông bị bắt. Quân Nguyên biết ông là tướng tài nên dụ hàng, hứa phong Vương tước, Ông đã khẳn khái trả lời “Ta thà làm qủi nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”. Giặc biết không thể thuyết phục được Ông nên đem ra chém. Ông chết oanh liệt để lại câu nói bất tử cho đời sau làm mẫu mực của sự trung liệt đối với quê hương dân tộc.(BKTT mở)
5Núi Yên Tử (1.068 m) là ngọn núi cao trong dãy núi Đông Triều vùng đông bắc Việt Nam. Núi thuộc xã Thượng Yên Công, thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Được mệnh danh "đất tổ Phật giáo Việt Nam". Trên đỉnh núi thường có mây bao phủ nên ngày trước có tên gọi là Bạch Vân sơn . (BKTT mở)
6Ngọa Vân Tự theo nghĩa Hán - Việt là “chùa nằm trên mây”. Chùa Ngọa Vân nằm trên đỉnh núi Bảo Đài, thuộc thôn Tây Sơn, xã Bình Khê, huyện Đông Triều. Đây là nơi đệ nhất tổ Thiền phái Trúc Lâm Trần Nhân Tông đã tu hành và viên tịch. Hầu như quanh năm chùa đều có mây bao phủ.(BKTT mở)
7Am Long Động được Trúc Lâm Thiền sư cho xây ở lưng chừng núi để các đồ đệ ở đó tu hành và cũng là nơi làm phật sự cho phật tử thập phương.(Am Mây Ngủ - tác giả Thiền Sư Nhất Hạnh)
8Y kinh: Kinh sách về y học.
Thêm bình luận

Bài vở và hình ảnh xin gởi về This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.