Bài du ký này chia làm 3 phần. Phần đầu ôn lại lịch sử của dân Do-thái, dân riêng của Chúa. Phần 2 đi lại bước chân của 2 tuần hành hương Đất Thánh và Giáo Đô. Phần 3 là cảm nghiệm cá nhân qua chuyến đi này.

I. MỘT THOÁNG LỊCH SỬ CỦA DÂN TỘC DO-THÁI

a. Lưu đày và nô lệ.

Lịch sử của dân Do-thái đầy trầm luân và đau khổ. Một giống dân được Chúa chọn nhưng số phận lại long đong hơn bất cứ sắc dân nào hiện hữu trên quả địa cầu. Một thời huy hoàng của vua David, rồi Solomon (đền thờ Giêrusalem được xây dựng lần đầu) chìm dần vào quên lãng, và được thay thế bằng chuỗi năm tháng lầm than nô lệ khổ cực dưới sự thống trị của các đế quốc... triền miên tưởng như không thể nào chấm dứt.

Dân tộc Do-thái bắt đầu từ tổ phụ Abram. (Abram sinh ra khoảng năm 1813 BC (Before Christ = trước Thiên Chúa Giáng sinh hay còn gọi là trước Công nguyên). Ông theo lệnh Đức Chúa rời bỏ quê hương để định cư ở đất Canaan, mảnh đất đầy sữa và mật ong (xem Sáng thế ký, STK 12:1-5). Mảnh đất này còn được gọi là Đất Hứa (Promised Land). Đây là đất của dân Do-thái và Palestine bây giờ. Ở đó, ông sinh Ismael và Isaắc, rồi ông Isaắc sinh Êsau và Gia-cóp. Ông Abram đổi tên là Abraham theo lời Đức Chúa (STK 17:5). Gia-cóp đổi tên là Israel sau khi vật lộn và thắng thiên thần (STK, 32:28). Cả 3 đời đều lập nghiệp ở xứ Canaan; xứ sở này còn được gọi là đất Ít-sa-en (Land of Israel) theo tên gọi sau này của ông Gia-cóp. Như thế, Israel và Jewish đều là tên gọi dân tộc Do-thái mà ông bà ta ngày xưa thường gọi là Giu-dêu.

Vì nạn đói, khoảng 1523 BC gia đình ông Gia-cóp định cư tại Ai-cập và con cái sinh sôi nẩy nở nơi xứ người. Dân Do-thái trở nên đông đúc trên đất Ai-cập khiến vua Pharaon lo sợ. Đến năm 1429 BC, vua Ai-cập bắt toàn thể dân Do-thái làm nô lệ trên đất nước mình, bắt đầu chuỗi năm tháng tù đày và nô lệ từ đó. Gần 150 năm, dân riêng của Chúa làm nô lệ trên đất Ai-cập, mãi cho đến năm 1280 BC, Maisen (Moses) dẫn dân Do-thái ra khỏi đất Ai-cập, băng qua Biển Đỏ, lưu lạc trong sa mạc 40 năm và trở lại vùng Đất Hứa khoảng năm 1240 BC. Mãi đến thời vua Davít (1010 – 970BC) Giêrusalem trở thành thủ đô của dân Do-thái. Nhưng phải đến đời vua con, Salômôn (970 – 931BC), đền thờ Giêrusalem mới bắt đầu xây và hoàn tất vào khoảng năm 968 BC. Năm 931 BC, Israel phân chia 2 miền; phía Bắc gọi là Ít-sa-en (Israel), và phía Nam gọi là Giuda (Judah). Các vua tiếp tục trị vì 2 miền bắc và nam (chúng ta liên tưởng đến thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, cũng vua trong nam ngoài bắc) mãi đến năm 750 BC thì thời kỳ khốn khó bắt đầu.

Để có một cái nhìn tổng quát hơn, xin quý vị nhớ đến mảnh đất của quê hương Việt nam vì vị trí lãnh thổ và lịch sử của 2 dân tộc Việt & Do-thái có rất nhiều điểm tương đồng.

Giống như vị trí chiến lược của mảnh đất hình chữ S của Việt nam như bao lơn nhìn bao quát ra Thái bình dương thì số phận của dân tộc Ít-sa-en cũng phần lớn gắn liền với vị trí lãnh thổ chiến lược như thế khi nó nằm ngay tại ngã tư thời cổ đại. Nếu Việt nam vào thời xa xưa giáp với các nước Chiêm-thành, Cao-miên, Xiêm-la, và Tàu về phía bắc thì Ít-sa-en cũng đối diện với biển Địa Trung Hải về phía tây và những sa mạc Ả Rập nóng cháy da về phía đông. Nó như một cây cầu đất bắt liền giữa Ai Cập ở phía nam và các lãnh thổ của vùng Lưỡng Hà (Mesopotamia) và Tiểu Á (Asia Minor) về phía bắc. Vì nằm lọt thỏm giữa những đế quốc nên tuy Ít-sa-en không hẳn luôn luôn là mục tiêu xâm lược, nhưng là vùng đất để quân của các đế quốc chinh phạt lẫn nhau phải băng qua. Vì nằm trên đường viễn chinh của những đế quốc này nên mảnh đất Ít-ra-en bị xâu xé và bằm nát trong suốt một thời gian dài, quá dài.

Đó là 5 đế quốc thời cổ Cận Đông:Assyria, Babylonia, Persia (Iran bây giờ), Hy-lạp (Greece), và La mã (Rome). Sự hưng thịnh của những đế quốc này thay phiên nhau làm bá chủ cả vùng đất Lưỡng Hà và Tiểu Á. Họ lần lượt bắt bớ, lưu đày, và biến dân Do-thái làm nô lệ trong suốt nhiều thế kỷ. Hiện nay, vị trí của Do-thái cũng chẳng khác gì thời đó bao nhiêu khi bị bao vây giữa các nước thuộc khối Ả-rập như Jordan, Lebanon, Syria, và Ai-cập, sẵn sàng nuốt chửng Do-thái bất cứ lúc nào nếu tình huống cho phép.



Đế quốc Assyria nổi dậy và chinh phục miền tây. Đến năm 805 BC, vua Adad-nirari II của Assyria chiếm đóng Syria, Phoenicia, Ít-sa-en, Edom, Philistia, Babylonia, Media, Persia, và vùng Hittite, chỉ còn Urartu và Elam và Ai-cập là chưa bị chinh phục mà thôi. Dân tộc Ít-sa-en bắt đầu thân phận nô lệ cho đế quốc Assyria bắt đầu từ năm 750BC mãi cho đến năm 612BC mới chấm dứt.



Vào năm 615 BC, các nước Scythians, Urartu, and Phrygia (Thổ-nhĩ-kỳ ngày nay) liên kết với đế quốc Babbylon nhằm lật đổ sự thống trị của Assyria. Trận đánh Carchemish năm 605 BC chính thức chấm dứt thời kỳ thịnh trị của đế quốc Assyria, và Nebuchadnezzar II trở thành vua của đế quốc Babylon. Vừa thoát tròng Assyria, dân Ít-sa-en lại rơi vào ách của Nebuchadnezzar và bị lưu đày ở Babylon (Iraq bây giờ), (xem Thánh vịnh, Tv 137). Cuộc lưu đày kéo dài từ năm 612 BC đến 539 BC. Quân Babylon đã phá hủy đền thờ Giêrusalem vào năm 586 BC. Đây là biểu tượng của dân tộc Ít-sa-en đứng ngạo nghễ trong suốt gần 400 năm kể từ thời vua Salômôn. (ghi chú, Boney M. trình bày bài Rivers of Babylon [http://www.youtube.com/watch?v=vYK9iCRb7S4], ca đoàn Ngôi Ba cũng với ca khúc Bên Dòng Sông Babylon [http://www.youtube.com/watch?v=aRDnGygIs2o] nói lên thân phận lưu đày, mong ước trở về Zion, đền thờ Giêrusalem của dân tộc Do-thái)






Đến năm 555 BC, vua Cyrus của đế quốc Persia (Ba tư) thống nhất các sắc dân quanh vùng. Thực lực của đế quốc Persia lớn mạnh dần và năm 539 BC, vua Cyrus lật đổ vua Babylon không tốn một giọt máu. Từ đó, đế quốc Persia chinh phạt và lần lượt thâu tóm các nước chung quanh. Nhưng phải đợi đến năm 555 BC, người con của vua Cyrus là Cambyses mới chinh phục Ai-cập. Từ đó, lãnh thổ của đế quốc Persia bành trướng ra khắp 4 phương tưởng như không có biên giới. Dân tộc Do-thái, một lần nữa, lại chịu thân phận nô lệ mãi cho đến năm 331 BC. Cũng trong thời gian chinh phạt, vua Persia cho xây dựng lại đền thờ Giêrusalem vào năm 520 BC. Đây là lần thứ hai đền thờ được xây dựng.
Đế quốc Hy-lạp bùng lên đánh bại Persia do vua Philip II của Macedonia sau khi ông thống nhất lãnh thổ. Nhưng vua Philip II bị ám sát chết vào năm 334 BC rồi người con là Alexander (A-lịch-sơn) lên ngôi và chính thức tuyên chiến với đế quốc Persia. Đây là thời đại thịnh trị của đế quốc Hy-lạp khi vua A-lịch-sơn Đại đế (Alexander the Great) lần lượt chinh phục các nước Anatolia, Syro-Palestine, Egypt, Lưỡng Hà, và Ba tư (Persia). Vua đem quân chinh phạt các nước viễn đông mãi tận biên giới Ấn độ, và trung Á. Lãnh thổ của đế quốc Hy-lạp còn lớn rộng hơn cả của đế quốc Ba tư. Với thực lực mạnh mẽ đến thế, dĩ nhiên dân tộc Do-thái phải cam chịu làm nô lệ mãi cho đến năm 143 BC.



Năm 143 BC, gia đình Hasmonean nổi dậy dành lại được độc lập (Maccabees). Thời gian dân Do-thái tự chủ kéo dài được 80 năm thì rơi vào sự đô hộ của đế quốc La-mã (63 BC). Khoảng năm 4 BC thì Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem dưới thời vua Hêrôđê (Herod the Great = Herôđê Cả). Đây là thời gian cực thịnh của đế quốc La mã. Vua Cesar (Caesar Augutus) trị vì La mã, và bổ nhiệm các quan tổng trấn (governor) cai trị đất Galilê, Samaria, và Giuđêa. Dân Do-thái thời này vẫn có vua và được nhìn nhận bởi đế quốc La mã. Nhìn chung, bối cảnh này giống như thời Tàu đô hộ nước ta; đất An-nam vẫn có vua, và vua Việt phải được vua Tàu nhìn nhận, và tại nước Việt có đại diện của vua Tàu thường gọi là quan Thái thú (governor). Dân Do-thái một cổ đôi ba tròng là thế, vì vừa phải đóng thuế cho vua Do-thái Hêrôđê vừa phải đóng thuế cho vua La mã, (ghi chú, đây là vua con, còn vua Hêrôđê Cả đã chết vài năm sau khi Chúa trốn sang Ai-cập); (ghi chú thêm, vua Hêrôđê Cả ra lệnh giết tất cả các hài nhi từ 1 tuổi trở xuống khi bé Giêsu vừa sinh, còn khi Chúa Giêsu ra đời giảng dạy thì Herod Antipas đã kế vị vua cha từ lâu).

Đền thờ Giêrusalem bị quân Rôma phá hủy hoàn toàn vào năm 70 AD (Anno Domini = năm của Chúa = sau Thiên Chúa giáng sinh = sau Công nguyên). Đế quốc này thịnh trị và kéo dài mãi đến năm 476 AD khi vua Romulus – vị vua cuối cùng của đế quốc La mã – bị Odoacer – một thủ lãnh người Đức – lật đổ, cáo chung một đế quốc thống trị toàn cõi Âu-châu trong hơn 5 thế kỷ.

Những thế kỷ tiếp theo, mảnh đất It-ra-en lần lượt rơi vào tay các đế quốc như Byzantine (324 – 636 AD), Hồi (636 – 1099 AD), đến thời kỳ Thánh chiến (1099 – 1291 AD), Mamluk (1291 – 1516 AD), Ottoman (1516 – 1918 AD), và sau cùng là đế quốc Anh (1918 – 1948 AD). Dân Do-thái vẫn lưu lạc phân tán khắp nơi trên thế giới, và chỉ còn một số ít chấp nhận ở lại quê hương. Nhũng đế quốc Hồi lần lượt thống trị mảnh đất Ít-ra-en và là tôn giáo chính kể từ năm 636 và kéo dài mãi cho đến khi đế quốc Anh đánh bại Ottoman (1918). Như thế dân Palestine đã có mặt tại Đất Hứa từ thế kỷ 7, ngay sau khi đế quốc Byzantine chấm dứt. Tính ra lúc dân Do-thái trở về cố hương, dân Palestine sinh sôi lập nghiệp trên cùng một mảnh đất đã hơn 13 thế kỷ.



Cần nói thêm là dưới sự đô hộ của Rôma, năm 136 AD, Giêrusalem bị đổi tên là Aelia Capatolina và miền Judea cũng đổi tên thành Palaestina, nhằm xóa bỏ căn tính của dân tộc Do-thái. Ngay sau khi Đền thờ Giêrusalem bị phá hủy lần hai (70 AD), dân Do-thái phân tán và lưu lạc sang Âu-châu và vùng Bắc Phi, còn lại một số rất ít di chuyển lên vùng Galilê. Đây là đợt lưu lạc lớn nhất, kéo dài lâu nhất và kinh hoàng nhất trong lịch sử của dân riêng Chúa.

Như thế, tính nhẩm trên đầu ngón tay, trong suốt một thiên niên kỷ, dân Do-thái làm tôi mọi cho các triều đại và đế quốc trong hơn 7 thế kỷ, rồi lưu lạc trong 2000 năm. Số phận dân Do-thái gần giống số phận của dân Việt với 1000 năm bị Tàu đô hộ, và hơn 100 năm bị Pháp đô hộ. Xét cho cùng, dân Do-thái khổ hơn vì dân tộc này tiếp tục lưu lạc trên khắp thế giới cho mãi đến năm 1948 mới được trở về cố hương (xem Exodus của Leon Uris), sau nạn Holocaust kinh hoàng.

Cuộc đời lưu lạc của dân Do-thái chấm dứt vào ngày 14 tháng 5 năm 1948: nước Ít-ra-en được thành lập qua sự thỏa thuận của đế quốc Anh và được quốc tế công nhận. Và chỉ trong vòng chừng thập niên, dân Do-thái ở khắp nơi trên thế giới đổ về quê cha đất tổ để xây dựng đất nước. Sự di dân ồ ạt này lại tạo ra một sự xung đột khác ngay trên mảnh đất của tổ phụ Abraham – mảnh đất đầy sữa và mật ong như lời Đức Chúa phán hứa – vì dân Palestine đã sinh sống ở đó từ thế kỷ 7.

Cuộc kiểm tra dân số đầu tiên vào tháng 11/1948 ghi nhận có chừng 712,000 dân Do-thái, và khoảng 69,000 dân Palestine sống ngay từ những ngày đầu tái thành lập nước Ít-ra-en.
Sự xung đột bắt đầu.

b. Sự xung đột.

Nếu ai đến Do-thái đều nhận thấy sự căng thẳng giữa 2 dân tộc Do-thái và Palestine. Cả 2 đều nhìn nhận tổ phụ Abraham, vì tổ tiên của họ là anh em ruột thịt nhưng đến tận bây giờ vẫn thù nghịch nhau còn hơn người dưng nước lã, chỉ vì sự tranh giành đất sống. Họ giống như hai người con tranh dành của cải cha mình để lại. Phải giở lại sách Sáng thế ký để hiểu rõ căn nguyên của sự thù nghịch này.

Bà Sarai, vợ ông Abraham hiếm muộn, không có con trai nối dõi nên hiến người nữ tỳ là Hagar, một người Ai-cập cho ông. Hagar đi lại với Abraham và nàng có thai, (Stk 16:1-4). Hagar biết mình mang giọt máu của ông chủ nên ra mặt khinh dể Sarai, khiến bà này phàn nàn với Abraham. Ông cho bà toàn quyền trên Hagar, và bà quay ngược trở lại hành hạ nàng đến nỗi nàng không chịu đựng được đành phải trốn vào sa mạc. Sứ thần hiện ra với Hagar và bảo, "Cứ về với bà chủ ngươi, và chịu luỵ bà ấy." Sứ thần của Đức Chúa nói với nàng:"'Ta sẽ làm cho dòng dõi ngươi ra thật nhiều đến mức không thể đếm được vì quá đông.' Này đây ngươi đang có thai, sắp sinh hạ con trai và sẽ đặt tên là Ít-ma-ên (Ismael), vì Đức Chúa đã nghe thấu nỗi khổ của ngươi. Con người đó đúng là một con lừa hoang, nó giơ tay chống mọi người, mọi người giơ tay chống nó, nó sẽ luôn đối đầu với tất cả anh em nó." (Stk 16:9-12)

Hagar vâng lời sứ thần trở về, phục tùng bà Sarai và Ít-ma-ên (Ismael) ra đời, đứa con trai đầu lòng của ông Abraham. Không biết lời nói của sứ thần mấy nghìn năm trước có phải là lời chúc dữ hay không vì những câu như, nó giơ tay chống mọi người, mọi người giơ tay chống nó, nó sẽ luôn đối đầu với tất cả anh em nó, gần như nói lên sự hung hãn và thù nghịch của Ít-ma-ên, dòng dõi của dân tộc Ả-rập sau này. Mãi về sau, khi ông Abraham được 100 tuổi, bà Sara (đổi tên từ Sarai) sinh hạ Isaac. Từ khi có con trai, bà không muốn thấy mẹ con Hagar nữa nên xúi chồng, "Ông hãy đuổi hai mẹ con đứa nữ tỳ này đi, vì con trai đứa nữ tỳ không được thừa kế cùng với Isaac, con trai tôi." (Stk 21:9). "Nhưng Thiên Chúa phán với ông Áp-ra-ham:'Đừng bực mình vì chuyện đứa trẻ và người nữ tỳ của ngươi. Tất cả những gì Sara nói với ngươi, cứ nghe, bởi vì chính nhờ Isaac mà ngươi sẽ có một dòng dõi mang tên ngươi. Còn con trai của người nữ tỳ, Ta cũng sẽ làm cho nó thành một dân tộc lớn, vì nó là dòng dõi ngươi.' Sáng hôm sau, ông Abraham dậy sớm, lấy bánh và một bầu da đựng nước đưa cho Hagar. Ông đặt đứa bé lên vai nàng và bắt nàng phải đi." (Stk, 21:12-14).

Khi Hagar và đứa con gần chết khát trong sa mạc, sứ thần lại hiện ra nói, "'Đứng lên! Đỡ đứa trẻ dậy và ôm nó trong tay, vì Ta sẽ làm cho nó thành một dân tộc lớn.' Thiên Chúa mở mắt cho nàng, và nàng thấy một giếng nước. Nàng đi đổ nước đầy bầu da, rồi cho đứa trẻ uống. Thiên Chúa ở với đứa trẻ, nó lớn lên, sống trong sa mạc, và trở thành người bắn cung. Nó sống trong sa mạc Pa-ran, và mẹ nó cưới cho nó một cô vợ người đất Ai-cập." (Stk 21:17-21). Hai đứa con trai của tổ phụ Abraham sinh ra trong hai hoàn cảnh khác nhau. Một đứa sống trong sa mạc và đứa con thừa tự sống trên miền Đất Hứa.

Ít-ma-ên (Ismael) sinh hạ 12 người con, Nabajoth, Cedar, Adbeel, Mabsam, Masma, Duma, Massa, Hadar, Thema, Jethur, Naphis, và Cedma là dòng dõi của dân Ả-rập. Gia-cóp (Jacob) cũng sinh hạ 12 người con, Ruben, Simeon, Levi, Juda, Issachar, and Zabulon, Joseph, Benjamin, Dan, Nephtali, Gad và Aser là dòng dõi của dân Do-thái. Con số 12 là con số toàn thiện trong Kinh thánh; nghĩa là nhiều như sao trên trời và như cát dưới biển, một dân tộc.

Lior, người hướng dẫn Do-thái, phân trần với chúng tôi thế này. Ai là đứa con thừa tự và được sự chúc phúc của tổ phụ Abraham? Thưa là Isaac vì khi Đức Chúa bảo phải đem con đi sát tế (thử thách sự vâng lời của Abraham), ông đã đem Isaac chứ không hề nghĩ đến Ismael, (xem Stk 22:1-13). Còn dân Palestine thì khăng khăng bảo rằng đứa con đầu lòng (Ismael) phải là đứa con thừa kế cho dù mẹ nó thuộc giai cấp nào đi chăng nữa. Ngoài ra, đất Ít-ra-en bị dòng giống Ả-rập (Mohammed) chiếm đoạt và cai trị từ thế kỷ thứ 7. Như thế, trong khi dân Do-thái lưu lạc suốt hơn 2000 năm thì dân Palestine đã định cư ở miền Đất Hứa hơn 1300 năm.

Hai dân tộc có mối tương quan ruột thịt đến thế nhưng không thể sống chung với nhau trên cùng mảnh đất. Hiện nay, dân Do-thái đã trên 7 triệu người, và khoảng 2.5 triệu dân Palestine sống ở vùng tả ngạn sông Jordan (West Bank) và 1.7 triệu sống ở dải Gaza, giáp Ai-cập. Hai sắc dân này chung sống giống như một quốc gia trong một quốc gia, (xem bản đồ).



Nhìn kỹ bản đồ phía tay phải, thấy đường viền màu đỏ biểu hiện một hàng rào ngăn chia vùng West Bank (xanh) và Do-thái, kể cả dải Gaza giáp Ai-cập. Hàng rào này có chu vi khoảng 700 km (430 dặm) với 90% là hàng rào kẽm gai và một giao thông hào rộng 60m làm trái độn; còn lại 10% là tường thành bê-tông cao 8m như bức tường Bá-linh thuở nào. Do-thái vẫn tìm cách lấn đất, Palestine thì vùng vẫy không chịu thua, và luôn luôn tìm cách khủng bố. Đó là phương cách chống trả khi dân Palestine yếu thế. Và nếu cứ bắt cóc, gây khủng bố, dân Do-thái cũng không chịu thua. Họ sẽ lùng bắt và giết dân Palestine để trả thù theo luật Moses. Cứ thế, hận thù triền miên kể từ năm 1948. Lấy một ví dụ, trước khi đoàn chúng tôi đến Đất Thánh, Palestine bắt cóc 3 thiếu niên Do-thái. Chính quyền Do-thái cả tuần bố ráp, lục soát vùng West Bank nhưng cuối cùng chỉ tìm thấy xác phơi trên cánh đồng. Lập tức một cuộc hành quân để tiểu trừ nhóm khủng bố Hamas và 6 dân Palestine bị giết chết. Dân Palestine thế nào cũng không chịu thua, và sẽ tiếp tục khủng bố, bắt cóc và cuộc hành quân trả đũa của Do-thái vẫn xảy ra. (xem http://news.yahoo.com/bodies-three-missing-teenagers-found-west-bank-israeli-174050071.html)

Vấn đề này hầu như không thể nào giải quyết được, đôi khi gây nhức nhối cho chính quyền Hoa-kỳ, kẻ luôn đứng ra bảo vệ Do-thái. Ngay trong ngày thứ 6 (20/6/2014) trong tuần hành hương ở Đất Thánh vừa qua, ngày dân Palestine tuôn vào đền thờ Giêrusalem để cầu nguyện, cảnh sát và lính Do-thái bủa ra khắp các tuyến đường dẫn vào đền thờ, võ khí tận răng, và nhất là có cả đội quân khuyển chuyên dò tìm thuốc nổ. Kết quả là cảnh sát Do-thái bắt được 30 tên khủng bố thuộc nhóm Hamas trong ngày đó.

Ngày nào hai dân tộc này làm hòa, bắt tay nhau để sống chung hòa bình, có lẽ ngày đó thế giới sẽ hết chiến tranh, tất cả dân tộc của các quốc gia sẽ sống an bình thực sự trên hành tinh mang tên Trái đất này.

Nên cầu nguyện để nhân loại có một ngày như thế.

(còn tiếp)

  Hạ Ngôn


Thêm bình luận

Bài vở và hình ảnh xin gởi về This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.