- Đăng ngày 16 Tháng 3 2022
- Lượt xem: 388
15. VÌ MỘT ĐIỀU TÔI BIẾT CHẮC CHẮN ĐẾN NỖI TÔI CHẲNG CẦN ĐỨC TIN ĐỂ HIỂU
Tôi biết rằng mai này tôi sẽ chết. Giáo hội dạy tôi phải chết thế nào.
Lý luận cho tôi biết sau khi chết, tôi hoặc (1A) sẽ không gặp Chúa, bởi vì Ngài không có thật, hoặc (1B) gặp Ngài, bởi vì Ngài có thật. Và nếu Ngài thực sự hiện hữu, và tôi gặp Ngài, tôi sẽ (2A) gặp Ngài nhưng không có Đức Kitô hoặc (2B) gặp Ngài với Đức Kitô. Và nếu tôi gặp Chúa với Đức Kitô, tôi sẽ hành xử, hoặc (3A) với tư cách là người không Công giáo, không biết Giáo hội và cũng chẳng biết các bí tích, hoặc (3B) với tư cách là người Công giáo, là giáo dân trong Giáo hội và hằng nhận các bí tích.
Ngay cả khi tôi không thể chứng minh ba lựa chọn B (tôi nghĩ tôi chứng minh được, nhưng có thể sai), triết gia Pascal biện luận (gọi là cá cược của Pascal, Pascal’s Wager) rằng B là một lựa chọn khôn ngoan hơn A rất nhiều. Ông biện luận như sau.
• Đức tin của tôi nói với tôi rằng Chúa hiện hữu, và lý trí của tôi ủng hộ mạnh mẽ niềm tin đó, nhưng lý trí cũng biết điều dại dột nhất là chủ nghĩa vô thần. Không chuẩn bị gì cho ngày phán xét để hưởng một cuộc sống vĩnh cửu và hạnh phúc, hoặc có chuẩn bị nhưng lại chạy theo chủ nghĩa vô thần, thì đó là điều ngu ngốc nhất. Nó giống như chơi trò quay ổ súng may rủi (roulette) của Nga. Nó giống như từ chối một món quà.
Tôi xin nói một cách rất đơn giản: Niềm tin là món quà của một hợp đồng bảo hiểm hỏa hoạn (lửa Hỏa ngục đời đời) miễn phí. Nhưng hợp đồng này có thể giả hoặc thật. (1) Nếu đó là thật, tôi được tất cả và chẳng mất gì (vì miễn phí). (2) Nếu đó là giả, tôi không được gì, và tôi cũng chẳng mất gì (cũng vì miễn phí). Tuy cả hai chẳng cần đầu tư vốn (miễn phí, chẳng mất gì) nhưng mệnh đề (1), được tất cả. Mệnh đề (2), không được gì. Như thế nên chọn mệnh đề (1); nghĩa là nên chấp nhận Thiên Chúa có thật, vì ít nhất tôi “được tất cả”, còn hơn “không được gì”.
• Câu hỏi tiếp theo là: Tôi gặp Chúa mà không có Đức Kitô hay với Đức Kitô, trong Đức Kitô? Nếu Thiên Chúa hoàn hảo, công bình, công chính và thánh khiết, làm sao tôi dám nhìn ánh mắt của Ngài mà không nhờ Đức Kitô làm trung gian vì Người là vị cứu độ đời tôi? Đúng vậy, Thiên Chúa nhân từ, yêu thương, nhưng tôi thường từ chối tình yêu, từ khước lòng thương xót, và từ bỏ ân sủng của Ngài. Thế thì tôi làm sao dám gặp Thiên Chúa mà không có Đấng Cứu Độ và Đấng Trung Gian giúp tôi. Giống như cả người rơi vào lò lửa mà không mặc quần áo chống lửa. Nếu câu đó làm quý vị ngạc nhiên, thì tôi nghĩ quý vị học thần học từ môn tâm lý đại chúng hơn là từ Kinh thánh và các vị thánh. Như Giáo sĩ Do-thái Abraham Joshua Heschel từng nói, “Thiên Chúa không ‘dễ chịu’ đâu. Thiên Chúa không phải là người thân. Thiên Chúa như trận động đất” (xem Dt. 12:26-29).
• Câu hỏi tiếp theo là: Nếu tôi gặp Chúa với tư cách là một giáo dân Thiên Chúa giáo, có nên gặp Chúa với tư cách là một giáo dân Công giáo, như thành viên trong Giáo hội, tức là thân xác của Ngài, tôi được ăn Mình Ngài và uống Máu Ngài qua Bí tích Thánh Thể, hay nên gặp Chúa với tư cách là một người theo đạo Tin lành thuần túy thánh thiêng? Khi nhìn vào tinh thần tôi, linh hồn tôi, và khi tôi nhìn vào mối liên hệ thiêng liêng của tôi với Đức Kitô, tôi kinh hãi về những yếu đuối và thấp hèn của tôi: kiêu căng, tuyệt vọng, tham lam tiện nghi, hèn nhát, thèm khát, ích kỷ. Những tính xấu xa này vẫn đứng giữa mối liên hệ của tôi với Ngài; và chúng không giống như một gánh nặng tôi vác trên vai để thể dễ dàng ném sang bên; nhưng chúng ở trong tôi; chúng là khuôn mặt của tôi, là diện mạo của tâm hồn tôi. Chỉ khi gặp Ngài như một phần thân xác của chính Ngài (cây nho và cành nho), tôi mới an tâm. Tôi không thể rơi qua kẽ tay của Ngài nếu tôi là một trong các ngón tay của Ngài. (Đây là hình ảnh Công giáo ví von của Corrie ten Boom, người Tin lành Hoà Lan.)
Do đó, tôi chấp nhận chọn món quà quý giá là được hòa nhập vào thân xác của Ngài, Mình của Ngài, hữu hình cũng như huyền nhiệm, bí tích cũng như thiêng liêng, bằng những cách Ngài đã chỉ bảo cho chúng ta, cụ thể chứ không trừu tượng, qua các Bí tích: Rửa tội, Thêm sức, Xưng tội, Thánh thể, Của ăn đàng.
Tôi tin rằng niềm tin này không làm hao mòn đức tin nhưng hoàn toàn hợp lý. Không phải chỉ có đức tin, cũng không phải chỉ có lý trí, nhưng đức tin và lý trí kết hợp với nhau. Niềm tin và lý trí đứng về một bên, là đồng minh, không hề đối chọi, không bao giờ là kẻ thù.
(còn tiếp)
Peter Kreeft, Giáo sư Tiến sĩ Triết
Hạ Ngôn dịch