( tiếp theo)

- Em nhớ kế hoạch của anh chưa?

Nhơn ngồi trên chiếc giường cạnh bàn trang điểm, hất hàm. Quỳnh dùng cây bút chì màu đỏ vẽ viền môi, đôi môi hơi dày, tham lam mà cũng cuồng nhiệt hơn. Cô mím miệng cho son tải đều. Những động tác trang điểm thật nhuyễn. Trong gương phản chiếu một người đàn bà rất đẹp, đậm đà, nóng bỏng. Khuôn ngực vun cao trong cổ áo rộng, Quỳnh nheo mắt với gã tình nhân trong gương. Giọng Nhơn sôi nổi hơn:

- Thằng này giàu. Rất giàu. Em mà cho nó lọt bẫy là vô mánh đó.

Quỳnh nguýt dài:

- Làm như đàn ông ngu hết, dễ vô bẫy lắm. Cho anh hay, muốn chài hắn em phải dỡ hết chiêu ra, lúc
đó đừng có quạu à.

Nhơn gật:

- Em muốn làm ma quỷ gì cũng được, miễn thành công.

- Kể cả ngủ với hắn chứ gì?

Nhơn đảo mắt:

- Có cần tới chuyện đó không?

- “Xời ơi”…thằng đàn ông nào bỏ tiền cho gái mà không đòi “vụ đó”?

Cô ta đưa cổ tay, lắc lắc, tấm lắc vàng lấp lánh.

- Muốn lấy món này của anh, em đã mất trắng đời con gái. Bộ lão Lạc ngu hơn anh sao?

Gã đàn ông nhăn mặt:

- Thì em trổ hết tài nghệ tuyệt chiêu đi, cho hắn hưởng “sương sương” thôi…anh sẽ phục sẵn…hắn phải mất cả chì lẫn chài mới khoái…Anh biết chắc hắn là con mồi béo bở. Cứ nhìn cặp mắt hắn ngó em muốn lọt tròng, anh mới lên kế hoạch chớ.

- Có nghĩa là anh mở đường buôn bán mới?

- Buôn gì?

- Người. Em nè.

- Bậy bạ. Mình gài mánh thôi. Ai lại đem cục cưng của mình đi buôn.

- Thiệt chơi đó cha? Nghe anh nói cảm động muốn rới tim.

Nhơn rời giường đến cạnh Quỳnh. Hắn vuốt lên cổ,  lên vai cô. Bàn tay ram ráp làm Quỳnh gai người, khẽ nhăn mặt:

- Bỏ ra, đồ quỷ.

- Đồ yêu, cưng ơi. Không lạ gì nhau mà nhìn em, anh còn phát sốt huống gì thằng Lạc. Nó còn tưởng tượng ra bao nhiêu cảnh mùi mẫn nữa.

Quỳnh vẫu môi:

- Anh không sợ ngựa về ngược sao?

-  Nghĩa là…

- Là em chết thay vì hắn.

- Em nói quái quỷ gì vậy hả?

Quỳnh tỉnh bơ:

- Làm sao biết được, lỡ ra hắn là cao thủ làm em mết luôn thì sao?

Mặt Nhơn đanh lại:

- Đừng giỡn kiểu đó, nhức tim lắm. Em nên nhớ kỹ một điều: Anh sẽ không để mất những gì đã thuộc về mình. Hiểu chưa?

Hắn đưa hai bàn tay quanh cổ Quỳnh:

- Hai bàn tay anh không chỉ để làm em thỏa mãn. Nếu cần nó có những công dụng khác ghê gớm lắm đấy, coi chừng.

Gã lạnh lùng đứng lên rời phòng. Quỳnh không nhìn theo gã mà sờ lên cổ, chỗ Nhơn vừa đặt tay lên đó... cảm giác gai gai khiến Quỳnh rùng mình. Cô ta hiểu gã đàn ông không hề nói đùa.

Quán buổi tối khá đông. Đèn không đủ soi rõ mặt người. Thúy đến nói nhỏ và Quỳnh rời quầy. Cô ta sửa dáng đi, đong đưa cặp mông nhiều hơn, môi hơi dẩu ra theo cách mà cô ta cho rằng rất khêu gợi. Quỳnh ngồi xuống bàn đã có người đàn ông chờ sẵn. Cô ta chớp mắt rất tình:

- Anh đến lâu chưa?

- Sao em ra muộn vậy? Không khỏe hả?

Giọng nói êm, đầy vẻ săn sóc. Quỳnh kéo ghế xích lại gần Lạc:

- Đừng cưng em quá, coi chừng em hư à nha.

- Em có nên bao giờ đâu mà sợ hư?

Quỳnh làm bộ xịu mặt:

- Vậy anh nghĩ ai bán cà-phê cũng cà chớn phải không? Thôi được, ngồi đó đi, em kêu mấy cô ra cho anh.

Cô ta dợm đứng lên, gã đàn ông vội níu lại:

- Giỡn chút mà. Ai không biết em khó. Có vậy anh mới kẹt... Cho em hay, anh ngồi cà-phê mòn cả mấy cái quần Jean rồi mà chưa kết cô nào hết... em là lần đầu đó.

- Thì em cũng... lần đầu quen anh chớ bộ.

- Vậy huề. Đừng giận nữa nghe.

Đứa con gái đong đưa cặp mắt, Lạc nhìn đắm đuối. Tim người đàn ông rạo rực trước cặp đùi rất lẳng bó chặt trong quần thun mỏng, ngực Quỳnh gồ lên đầy khiêu khích. Lạc thì thầm:

- Anh mê em quá, Quỳnh ơi!

- Tin được không? Nói thật với anh làm nghề này, em nghe nhàm tai những câu tán tỉnh rồi. Anh nào cũng nói mùi như cải lương...

- Bộ em nhiều cây si lắm à?

Con nhỏ cười toét miệng:

- Chừng vài ba chục.

- Trời đất. Đàn ông mà em làm như hột gà, hột vịt, tính chục.

- Mà chục miệt vườn à nha.

- Vậy là sao?

- Là mười sáu. Sài Gòn tính có mười hai.

Lạc lắc đầu:

- Ghê thật. Chắc mỗi lần đến đây anh phải đội nón sắt.

- Mặc cả áo giáp mới an toàn.

Bàn tay Lạc đặt lên lưng Quỳnh, vuốt nhẹ xuống eo, xuống mông. Đứa con gái nhăn mặt:

- Cấm xâm phạm thuần phong mỹ tục.

- Chút xíu mà. Gần em mà ngồi yên thà chết còn hơn.

Quỳnh nhìn con mồi sắp sa bẫy. Cô ta nghĩ đến kế hoạch của Nhơn. Không ngờ gã tình nhân lại dùng chính mình để đoạt tiền thiên hạ. Dạo này công việc của Nhơn có vẻ bận rộn, gã ra Bắc vô Nam như con thoi, lúc nào cũng có vẻ căng thẳng. Nhơn có một tủ sắt nhỏ, mỗi lần đi đâu về, gã bỏ tất cả hành trang vào đó. Có lần Quỳnh hỏi chìa khóa lấy quần áo giặt, Nhơn gắt:

- Không có đồ dơ, em không phải bận tâm những thứ trong tủ.

Quỳnh bướng:

- Gì mà quý dữ vậy? Em biết không được sao?

- Anh cấm đấy.

Quỳnh giận, suốt ngày không nói với Nhơn tiếng nào. Tối đến, gã làm lành:

- Ra oai với em chút thôi, trong tủ chẳng có quái gì đâu. Chẳng qua là anh sợ em làm lộn xộn ba cái giấy tờ, sổ sách làm ăn, lỡ thất lạc không tính với người ta được, em là vợ anh có gì phải dấu em đâu.

- Chớ không phải thư tình với ảnh đàn bà hả?

Nhơn hôn đánh chụt lên má con nhỏ:

- Thèm vào. Thần vệ nữ bằng xương bằng thịt trong tay không đủ sao.

Những ngón tay phù thủy lại đánh thức từng vùng cảm giác. Đứa con gái ôm ghì lấy gã, cô ta nhắm mắt, quên những điều đã khiến mình bận tâm.

- Nghĩ gì vậy cưng?

Quỳnh phịa ngọt xớt:

- Nghĩ đến bà xã anh.

- Sao cho bả vô đây chi vậy? Yên tâm, bả quanh quẩn ở nhà tối ngày có đi đâu mà biết... vợ anh hiền khô hà.

- Hiền không biết ghen à? Anh lầm, mấy người thấy hiền, tới lúc đụng chuyện còn ác nữa. Dạo này được mùa a-xít, không ngán sao được?

- Anh biết bảo vệ em mà?

- Ai người ta ra tay lúc có anh mà bảo vệ? Mấy bà khôn chán, chừa chồng ra để khỏi mất cái gối ôm.

- Thôi, dẹp chuyện xui xẻo đó đi. Sẽ không bao giờ xảy ra đâu. Anh hứa.
*

*    *

- Con đi đâu vậy, Tâm?

Người mẹ hỏi bằng giọng hoảng hốt. Nhìn đôi mắt đỏ lên của đứa con trai, bà biết sức chịu đựng của nó đã cạn. Lâu quá rồi. Một sự chịu đựng khốn khổ, phi lý. Nghe mẹ hỏi, Tâm khựng lại.

- Con tìm chú Thái phải không?

- Đó không phải là chú con. Hết rồi!

Hương dịu dàng nắm tay con kéo lại gần mình. Thằng bé sắp cao hơn mẹ. Chị dịu dàng:

- Thôi bỏ đi con. Quên đi!

Đột nhiên thằng bé bật khóc. Nó gục đầu vào vai mẹ, nức nở:

- Má ơi, con vô dụng quá. Tại sao con cứ phải nhìn má khổ như vậy. Tại sao, hả má?

Hương vuốt tóc con:

- Đừng nói nữa, con. Má biết con thuơng má, vậy là đủ. Con còn nhỏ chưa đủ sức giải quyết việc đời đâu.

- Không phải. Con lớn rồi. Con biết má khổ vậy mà không làm gì được.

Nó nắm chặt hai tay vào nhau như muốn dồn sức vào cú đấm thôi sơn:

- Con tồi quá, nhát quá, hèn quá... Phải, gã xì-ke đó là chú con. Người em duy nhất của ba... nhưng đâu phải vì huyết thống mà mình chấp nhận những việc tồi tệ hả má?

- Tâm, thương má, con đừng nghĩ quanh quẩn nữa. Đi tắm rồi học bài đi con.

Thằng bé cười buồn bã:

- Má biết cả tháng nay con có học hành gì nổi đâu.

Hương cúi đầu thở dài. Phải, chị biết. Chính cô giáo chủ nhiệm của Tâm đã đến nhà để tìm hiểu tại sao đứa học trò ngoan chăm lại đi học thất thường, bê trễ bài vở. Người mẹ không biết nói sao đành phải trình bày sự thật. Chị hứa sẽ khuyên con đi học đều. Nhưng Hương biết đứa con trai không thể học hành khi mỗi ngày người chú hư hỏng lại về nhà, hăm he, vơ vét.

- Con ạ, mọi việc rồi sẽ qua đi.

- Nhưng đến bao giờ, hả má? Đến khi má cuồng trí, bạc tóc hay sao?

Người mẹ lắc đầu. Cái lắc quen thuộc. Cái lắc đầu khiến Tâm uất ức, chịu đựng... lúc nào cũng ngậm nước mắt nuốt trở vào tim. Tạo sao? Hắn có quyền gì để hành hạ cái gia đình khốn khổ này? Tại sao lại sợ tiếng đời? Trong cái xóm ga này, ai không biết Thái xì-ke? Và những hành động hung đồ của hắn nữa? Tâm hậm hực đi tắm, nhưng nước mát không làm nguôi đi ngọn lửa nung đốt trái tim thơ dại của nó. Người chú ngày càng quá quắt... sáng nay gã lại vừa trấn lột toàn bộ số tiền mẹ nó chắt chiu đóng học phí cho con... Đúng là không còn chút lương tâm nào nữa. Tâm đã bỏ học để canh chừng gã... Nó nghĩ ít ra thì cũng bảo vệ được mẹ. Nhưng sáng nay nó đi mua mấy cuốn sách, thế mà gã đã rình từ bao giờ, xộc ngay vào nhà...

Tâm thả bộ ra sân ga, giờ tàu đến, ồn ào, rộn rịp. Nó đi thẳng lại chỗ Miên:

- Bữa nay, tụi nhóc không học hả chị?

Miên lắc đầu:

- Anh Trí cho tụi nó nghỉ, dẫn cả bọn đi coi đá banh.

Chị Miên!

- Gì hả Tâm?

Thằng bé bẻ những ngón tay kêu lắc cắc, nửa muốn nói, nửa lại không. Nó nhìn cô gái tốt bụng, người mà cả những đứa trẻ bụi đời cũng gọi bằng “chị” một cách trìu mến, chỉ có Miên mới hiểu được nó, có thể không nhiều nhưng sẽ chịu khó cảm thông. Cô không phải là dân bụi đời mà vẫn hòa đồng với bọn nhóc lì lợm, cứng đầu. Thấy Tâm im lặng, Miên dịu dàng:

- Nói đi Tâm, em cần chị giúp gì không?

Thằng bé chậm chạp lắc đầu:

- Có lẽ không... chẳng có gì đâu, chị Miên... tự dưng em muốn gọi chị. Có lẽ vì em cô đơn quá.

Miên chớp mắt. Cô biết nếu nói thêm một câu, mình sẽ khóc và cả Tâm nữa, giọng nó cũng nghèn nghẹn. Đột nhiên thằng bé ngẩng phắt lên:

- Hồi đó... phải bỏ học, chị có buồn không?

Miên nhìn sững:

- Em định bỏ học sao?

Tâm bối rối:

- Em thí dụ vậy thôi... biết đâu được hả chị?

- Chị biết hoàn cảnh em rất khó khăn, em không yên tâm để học hành, nhưng Tâm ạ, sự học rất cần cho tương lai, em lại học giỏi. Cố gắng vượt khó đi em.

Đôi mắt thằng bé sắc lại:

- Nhưng chị vẫn chưa trả lời em, bị bỏ dỡ sự học, chị có buồn nhiều không?

Miên gật đầu:

- Rất buồn, Tâm ạ. Khi cha nuôi mất, chị hiểu mình phải tự đương đầu với cuộc sống. Cũng may là chị đã học hết lớp 11. nhưng nếu ông còn, chắc chị đã được vào đại học.

Cô nhìn thẳng Tâm:

- Còn em... không lý do gì làm em phải bỏ học cả. Đừng quyết định nông nổi để sau nầy em phải ân hận.

Thằng bé quay đi, lẩm bẩm:

- Nếu em đã quyết định thì sẽ không bao giờ ân hận.

Miên nghe không rõ, hỏi lại. Tâm nói một câu khác:

- Em tiếc là không phụ chị và anh Trí dạy thêm cho tụi nhóc. Chẳng còn đầu óc nào nữa.

- Mấy đứa học tốt lắm, nhất là Tý lì và Cơ. Chị rất vui.

- Có người còn vui hơn chị đấy.

- Ai vậy?

- Anh Trí chứ ai...

- Ừ. Anh ấy cũng nhiệt tình lắm. Có anh ấy, bọn nhóc được cấp sách vở đầy đủ, tụi nó học hăng hái, thấy thương ghê. Bữa nào mưa cũng ráng tới học.

Tâm mỉm cười ranh mãnh:

- Em chưa nói hết ý. Anh ấy vì tụi nhóc một phần thôi.

Miên tròn mắt:

- Sao vậy?

-Nếu không có chị, chắc anh Trí không bận tâm tới cái xóm ga này đâu.

Cô gái đỏ mặt:

- Nói bậy đi. Em xuyên tạc ý tốt của người ta đấy hả?

- Đó là sự thật. Chị là nguyên nhân, là sức hút để anh ấy có những hành động tiếp theo. Muốn gần chị thì đó là cách duy nhất, phải không? Nhưng dù sao cũng phải công nhận hai anh em anh Trí rất có lòng.

- Em nói như người lớn vậy.

- Điều đó ai cũng nhìn thấy mà. Tý lì tinh lắm, nó biết và rất thích. Chỉ có chị là vô tình thôi.

Miên nói lảng:

- Gần tuần nay, không thấy Quỳnh về.

- Chị cần gặp chị Quỳnh?

- Không, nhưng vắng nó, xóm ga như thiếu một cái gì đó.

- Mặt nổi của xóm ga mà. Dạo này lớn, chị ta đỡ nhiều. Hồi đó quậy hết biết. Bọn con trai cùng tuổi bị nắm đầu, băng nào cũng biết mặt “nữ quái xóm ga”.

- Bác Hai ngày nào cũng ra ngóng. Nhớ con mà. Thấy tội quá. - Miên thở dài- Có mẹ không biết thương, khi mất rồi mới thấy cần, thấy thiếu. Quỳnh cũng tệ, làm gì thì làm, vài ba ngày về thăm để cho mẹ yên tâm.

- Nghĩ như chị thì còn gì để nói... À, chị Miên, anh Tuệ ở Mỹ phải không?

Miên gật đầu:

- Bang Cali.

Cô nhìn Tâm:

- Em cần gì không?

Tâm lắc đầu:

- Không phải cho em, mà chị kìa.

- Chị?

Cô hỏi lại, không dấu được ngạc nhiên. Tâm nói sau thoáng ngập ngừng:

- Chị biết ba má chị ở Mỹ, sao không nhờ anh Tuệ tìm cách liên lạc dùm? Bộ chị không muốn tìm lại gia đình hay sao?

Miên ngỡ ngàng:

- Chị...

- Chị cần gia đình lắm mà. Chị Miên, em nghe ba em nói phương tiện truyền thông bên đó hiện đại lắm. Chắc là được.

Nhắc đến cha mẹ, nước mắt Miên ứa ra. Cô cắn môi để khỏi bật khóc. Tâm quay đi, nghe Miên nói gần như lạc giọng:

- Không phải chị không biết chuyện đó, nhưng chẳng ích gì đâu em.

- Sao vậy?

- Vì...

- Chị Miên...

Miên nghẹn lại:

- Ba má chị chết rồi.

Tâm sững người. Thân với Miên, nó chưa bao giờ nghe đến chuyện đau thương này. Miên tiếp:

- Có lần ba nuôi chị về Sài Gòn ghé nhà chú Hiếu, hỏi thăm xem ba má ruột chị có tin tức gì không, nhưng chú bảo chuyến tàu đó bị đụng đá ngầm, chết không còn ai, cả xác cũng không kiếm được. Từ đó, chị hiểu rằng suốt đời không bao giờ còn hy vọng gặp lại những người thân yêu nữa.

Miên cúi mặt để giấu nước mắt trào ra, Tâm luống cuống:

- Chị Miên, em xin lỗi. Em không biết.

- Đâu phải lỗi em. Đó là sự cay nghiệt của số phận chị. Em lo cho chị mà...

Những ngọn đèn nhà ga bật sáng chống đỡ hoàng hôn ập xuống rất nhanh. Dạo này, trời hay mưa bất chợt. Miên nói bâng quơ để đánh tan không khí buồn bã:

- Chẳng biết bao giờ bọn nhóc mới về... Đi coi đá banh xong, mấy anh em dắt nhau đi ăn chắc.

Tâm hóm hỉnh:
- Chị mong tụi nhóc hay mong người dắt chúng đi?

- Khỉ.

Miên lại đỏ mặt. Từ trong tâm, cô biết Tâm nói đúng. Một chút nôn nao dậy lên trong cô. Miên từng dệt những ước mơ đầu đời. Những ước mơ thật khiêm tốn. Một mái ấm gia đình, sống bên người mà mình yêu thương. Nhưng mộng và thật ít khi đi đôi, và những năm tháng đã qua, nhiều bất trắc đến độ hầu như Miên không còn mong đợi dù ở lứa tuổi đẹp nhất của người con gái. Sự xuất hiện của Trí khiến tâm hồn đơn độc của Miên ấm lại. Từ buổi gặp nhau ở tiệm sách, Miên đã trở về nhịp điệu reo vui của trái tim nhưng cô gạt đi, tự cười thầm mình có quá nhiều ảo tưởng. Một cuộc gặp gỡ bình thường có thể xảy ra với bất cứ ai đâu có gì để phải nghĩ ngơị nhiều. Họ đã ngồi bên nhau khá lâu nhưng đó là vì trời mưa “vũ vô tiềm tỏa năng lưu khách”. Dù quả thật Trí đã đi sâu vào tâm hồn cô nhưng có lẽ ai ở vào cương vị anh lúc đó cũng vậy thôi. Chẳng qua là phép lịch sự... Miên biện hộ rồi phủ nhận, tự mâu thuẫn với chính mình rồi lại trằn trọc cả đêm. Tự nhủ rằng quên tuy biết mình vẫn nhớ... Rồi ngày hôm sau, một người lạ mang đến cho Miên một gói giấy hoa rất đẹp, nói rằng của người thân gửi tặng. Miên mở ra, sững sờ khi thấy những cuốn sách mình đã chọn hôm qua. Nhưng không đủ tiền mua. Một danh thiếp nhỏ kèm theo: “Hy vọng Miên sẽ dành thời gian để đọc. Thân. ”Trí .

Miên cám ơn người lạ mà vẫn miên man ý nghĩ bồng bềnh. Đây là bộ sách học cô hằng mong ước. Còn hơn thế, người giúp cô thực hiện lời ước đó lại là Trí...

Lũ nhóc trở về cũng ồn ào, vui nhộn như lúc đi. Chúng ào đến bên Miên, Tý lì liến thoắng nói trước:

- Vui quá trời luôn, chị Miên ơi. Anh Trí dẫn tụi em đi coi đá banh rồi còn đi ăn bò viên nữa.

Cơ nói theo, tay vỗ vào bụng căng tròn:

- No muốn bể bụng nè.

Mắt Miên gặp ánh mắt trìu mến của người thanh niên, cô bối rối giả lả:

- Anh Trí đưa các em đi chơi thì phải vui rồi.

Hải lùn gật gù:

- Coi đá banh đã thiệt. Chị Miên biết không, tụi em hét khản tiếng luôn.

“Chị Miên”, “Chị Miên”, mỗi đứa tranh nhau một câu, tạo thành một thế giới riêng trong cảnh náo loạn của sân ga giờ tàu đến. Miên cười với đứa này, gật đầu với đứa kia... Chúng ham nói đến nỗi Trí phải can thiệp:

- Đủ chưa nào, mấy đứa? Để cho chị Miên thở chứ.

Lũ nhóc im bặt, tiu nghỉu như có lỗi. Rồi bổng Tý toét miệng cười:

- Em biết rồi... Hì hì...

Nó xoay sang nháy mắt với lũ bạn:

- Mình đi đi... em về. Chị Miên, anh Trí.

Mắt nó quét ngang hai người đầy ý nghĩa. Cả bọn nhóc kéo đi. Tiếng Tý lì gắt Cơ:

- Hỏi cái con khỉ... Cứ đi theo tao. Bọn mình ngu thấy mẹ.

Miên quay sang Trí:

- Cám ơn anh.

- Việc gì vậy, Miên?

- Những gì anh làm cho tụi nhỏ.

Trí mỉm cười:

- Vì anh nhiều hơn đấy.

Mắt người con gái long lanh:

- Vì bất cứ ai cũng được, miễn tụi nó sung sướng.

Trí nhìn thẳng Miên:

- Em có để ý không, bao giờ gọi em, tụi nhỏ cũng dùng hai tiếng “chị Miên”, không bao giờ gọi chị như chúng sợ lẫn với người khác vậy.

- Bọn nhóc quen rồi.

- Không phải. Theo anh thì tên em rất dễ thương, hơn nữa, để chúng chắc rằng em đang hiện diện... em đừng quên em đang là chỗ dựa tinh thần cho đám trẻ bơ vơ đó.


(còn tiếp)

 Lý Thuỵ Ý
Thêm bình luận

Bài vở và hình ảnh xin gởi về This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.